1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất

(Dân trí) - Sao Kim là một hành tinh rất đặc biệt của hệ mặt trời! Một ngày trên sao Kim dài bằng 243 ngày của Trái Đất. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này luôn như một chiếc lò thiêu. Ngoài ra, áp suất khí quyển của nó còn cao gấp 95 lần so với nơi chúng ta đang sống.

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất - 1

Nếu Trái Đất có một người anh em song sinh ở trong hệ mặt trời, đó chắc chắn phải là sao Kim. Thật vậy, sao Kim có khối lượng bằng 0,81 lần trái đất. Ngoài ra, xét về kích thước, bán kính của sao Kim là 6.052 km, gần bằng với hành tinh xanh của chúng ta (6.378 km). Sự tương đương về khối lượng và độ lớn cũng dẫn đến sự tiệm cận của các yếu tố khác, giữa hai hành tinh này, như khối lượng riêng và vật chất cấu tạo.

Tuy nhiên, cũng tồn tại rất nhiều điểm khác biệt giữa trái đất và sao Kim. Cụ thể, vì là hành tinh đứng thứ 2 trong hệ mặt trời, nhiệt độ trên bề mặt sao Kim luôn xấp xỉ 482°C. Bên cạnh đó, bầu khí quyển của sao Kim lại được cấu tạo đa phần từ CO2. Do đó, áp suất không khí trên hành tinh này cao gấp 95 lần so với nơi chúng ta đang sống.

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất - 2

Ở góc nhìn từ phía cực Bắc của Mặt Trời, sao Kim là một trong hai hành tinh của hệ tự quay quanh trục theo chiều kim đồng hồ. Chuyển động theo cách đặc biệt với tốc độ quay siêu chậm, khiến một ngày ở trên sao Kim dài bằng 243 ngày của Trái Đất. Thậm chí, thời gian này còn dài hơn cả một năm của nó (tính chu kỳ quay hết một vòng quanh mặt trời), vốn chỉ bằng 225 ngày của Trái Đất.

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất - 3

Trái ngược với tốc độ tự quay quanh trục hết sức ì ạch, bầu khí quyển trên sao Kim lại rất linh động. Theo đó, ở hành tinh này, luôn tồn tại những trận cuồng phong cực mạnh, có tốc độ lên đến 724 km/h. Những cơn gió này có khả năng đẩy các đám mây bay trọn một vòng sao Kim mà chỉ mất có 4 ngày. Các nhà khoa học đã đặt tên cho hiện tượng này là “siêu quay”. Do đó, cũng có thể hiểu rằng, bầu khí quyển của sao kim tự quay quanh trục hành tinh với chu kỳ 4 ngày.

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất - 4

Bên cạnh việc nằm gần mặt trời, một nguyên nhân khác khiến sao Kim có nhiệt độ bề mặt cực kỳ cao, chính là “hiệu ứng nhà kính”. Để hiểu rõ hơn về loại hiệu ứng đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, hãy xem ví dụ trực quan nhất là trái đất của chúng ta. Cứ mỗi giây trôi qua, ánh sáng mặt trời lại gửi xuống trái đất thêm nhiệt lượng thông qua tia bức xạ.

Các tia này sau khi đến được mặt đất sẽ tái bức xạ lại vũ trụ. Tuy nhiên, bầu khí quyển, mà đặc biệt là khí CO2 trong đó, lại ngăn cản quá trình tái bức xạ. Chính hiện tượng này là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên từng ngày. Trong trường hợp của sao Kim, tình trạng trên thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều. Cụ thể, với bầu khí quyển có thành phần chủ yếu là CO2, tấm lưới giữ chân bức xạ nhiệt gửi trả lại vũ trụ trên sao Kim, hoạt động hiệu quả hơn của trái đất rất nhiều lần. Do đó, sao Kim luôn nóng hừng hực như một chiếc lò nung, với nhiệt độ bề mặt lên tới 482°C.

Giải mã những sự thật thú vị về sao Kim - người anh em sinh đôi của Trái Đất - 5

Điều kiện tự nhiên trên bề mặt sao Kim quá khắc nghiệt cho sự tồn tại của bất kỳ dạng sống nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, ở trong bầu khí quyển của nó, mà cụ thể là tại vị trí thuộc độ cao 50-60 km, lại có những đặc điểm về nhiệt độ cũng như áp suất khá tương đồng với Trái Đất. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều chuyên gia tin vào việc có thể tồn tại một số loài sinh vật đặc biệt, đang cư ngụ ở khu vực này trên sao Kim.

Thảo Vy

Theo Britanica