Giải mã câu đố về ngôi mộ 2.000 năm tuổi trên đảo Bryher

Nam Đoàn

(Dân trí) - Trong ngôi mộ duy nhất ở Tây Âu thời kỳ đồ sắt có chứa một bộ hài cốt, trâm cài, gương và thanh kiếm khiến cho các nhà khảo cổ học không thể giải mã từ khi nó được phát hiện vào năm 1999.

Giải mã câu đố về ngôi mộ 2.000 năm tuổi trên đảo Bryher - 1

Ngôi mộ thời kỳ đồ sắt trên Quần đảo Scilly (Ảnh: The Guardian).

Giờ đây bí ẩn về ngôi mộ đã được giải đáp, theo các nhà nghiên cứu, những dụng cụ này là bằng chứng cho thấy vai trò hàng đầu của một người phụ nữ trong chiến tranh thời kỳ đồ sắt.

Ngôi mộ nằm trên đảo Bryher, thuộc Quần đảo Scilly, thời điểm phát hiện ra nó, các nhà khảo cổ đã không thể xác định được bộ hài cốt trong ngôi mộ là của người đàn ông hay phụ nữ, nó giống như một câu đố cần được giải mã. 

Các cuộc khai quật cho thấy, trong ngôi mộ có một thanh kiếm bằng hợp kim đồng và một chiếc khiên bên cạnh hài cốt, đây là những dụng cụ thường được chôn cất cùng đàn ông thời kỳ đồ sắt. 

Nhưng sự xuất hiện một chiếc trâm cài và một gương bằng đồng được trang trí giống như họa tiết đĩa mặt trời thường dành cho phụ nữ đã thay đổi giả thiết mà các nhà khoa học đưa ra. 

Giải mã câu đố về ngôi mộ 2.000 năm tuổi trên đảo Bryher - 2

Thanh kiếm và gương khai quật từ ngôi mộ trên Quần đảo Scilly (Ảnh: The Guardian).

Nghiên cứu do Ủy ban Di tích và Công trình Lịch sử Anh (Historic England) dẫn đầu đã xác định hài cốt là một người phụ nữ,  khám phá có thể làm sáng tỏ vai trò các nữ chiến binh trong chiến tranh giữa các cộng đồng thời kỳ đồ sắt. 

"Phát hiện này cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào những cuộc chiến trong xã hội thời kỳ đồ sắt so với những gì chúng ta nghĩ trước đây, và nó có thể đã đặt nền móng mà từ đó các nhà lãnh đạo nữ như Boudicca sau này sẽ xuất hiện", nhà sinh vật học Sarah Stark, Historic England cho biết thêm.

Nữ hoàng Boidicca đã lãnh đạo người dân Anh thực hiện cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của người La Mã. 

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích DNA để xác định hài cốt trong ngôi mộ nhưng nó nhanh chóng thất bại vì sự tan rã của xương. Song nhờ sự phát triển của khoa học, các nhà khảo cổ đã sử dụng một kỹ thuật tinh vi khác chính là kiểm tra men răng. 

Tiến sĩ Glendon Parker, khoa môi trường, Đại học bang California (UC Davis), Mỹ cho biết: "Men răng chứa một loại protein có liên kết với nhiễm sắc thể X hoặc Y, nó có thể được sử dụng để xác định giới tính. Điều này rất hữu ích vì protein này tồn tại tốt hơn nhiều so với DNA.

Phân tích của chúng tôi liên quan đến việc trích xuất dấu vết protein từ những mảnh nhỏ của men răng còn sót lại. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu tính toán xác suất 96% rằng bộ hài cốt này là nữ".

Theo các nhà khảo cổ, những cuộc chiến tranh cách đây 2.000 năm có thể là các cuộc đột kích, tấn công bất ngờ vào các khu định cư của kẻ thù. Chiếc gương và vũ khí được tìm thấy trong ngôi mộ đều liên quan đến chiến tranh.

Gương có thể được sử dụng trong thời kỳ đồ sắt để báo hiệu, giao tiếp và phối hợp các cuộc tấn công. Nó cũng có các chức năng nghi lễ đóng vai trò như một công cụ để giao tiếp với thế giới siêu nhiên, đảm bảo sự thành công của một cuộc chiến hoặc "làm sạch" các chiến binh khi họ trở về.

Theo www.theguardian.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm