Giả thuyết: Liệu một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất?

Minh Khôi

(Dân trí) - Trái Đất của chúng ta liệu có miễn nhiễm với những va chạm đến từ không gian?

Giả thuyết: Liệu một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất? - 1

Sau khi thống trị Trái Đất hơn 160 triệu năm, loài khủng long đã chịu cảnh diệt vong do một vụ công kích đến từ không gian. Khi ấy, một tiểu hành tinh rộng 10 km đã lao xuống Trái Đất, gây ra động đất, sóng thần, núi lửa phun trào và thảm họa khí hậu khiến 75% sinh vật sống bị tuyệt chủng.

Thế nhưng sau tất cả, bản thân Trái Đất vẫn tồn tại, và "sống khỏe" tới hiện nay. Điều này khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi, liệu một tảng đá không gian có thể thực sự phá hủy toàn bộ Trái Đất, và nếu có, thì nó sẽ phải lớn đến mức nào?

Viễn cảnh Trái Đất bị phá hủy

Trong suốt một thời gian dài, nhiều người từng tin rằng có lẽ sẽ cần tới một tảng đá với kích thước tương tự như Trái Đất để có thể phá hủy hành tinh của chúng ta.

Thế nhưng điều bất ngờ đã được các nhà khoa học vạch ra, khi cho rằng điều này có thể đã từng xảy ra trong quá khứ.

GS. Brian Toon, nhà khoa học thiên văn tại Đại học Colorado Boulder cho biết nếu dựa theo thuyết va chạm khổng lồ, một vật thể không gian có kích thước lớn hơn Sao Hỏa từng va vào Trái Đất từ những ngày hành tinh của chúng ta mới hình thành.

Giả thuyết: Liệu một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất? - 2

Vụ va chạm ấy đã tạo ra Mặt Trăng ngày nay, còn Trái Đất không hề bị phá hủy. Thay vào đó, một phần của tiểu hành tinh có tên gọi là Theia gồm lõi và lớp phủ đã hợp nhất với hành tinh của chúng ta, để tạo ra một khối thống nhất, và tồn tại trong hàng triệu năm.

Thế nhưng, điều may mắn ấy không xảy ra với những sinh vật cổ đại từng sống trên Trái Đất vào thời điểm ấy. Các chuyên gia đều cho rằng, vụ va chạm tạo ra bởi Theia chắc chắn sẽ xóa sổ bất kỳ sinh vật sống nào, và tạo ra một cuộc "dọn dẹp", từ đó nhường đường cho những quần thể mới.

Mối đe dọa từ không gian

Theo Toon, một hành tinh không cần thiết phải nổ tung để bị coi là phá hủy. Chúng ta cũng thường quen với cách gọi "hành tinh chết" để ám chỉ những ngôi sao, hành tinh không có sự sống.

Quả thực, sẽ chẳng còn ý nghĩa khi mọi sinh vật sống trên hành tinh biến mất, cho dù hành tinh đó vẫn còn tồn tại theo một cách thần kỳ.

Bởi lý do này, NASA nhận biết mối đe dọa với Trái Đất là bất kỳ tảng đá không gian nào có bán kính trên 140 mét và di chuyển với quỹ đạo 4,6 triệu km từ Trái Đất

Theo cơ quan này, chỉ một tác động từ một tảng đá như vậy có thể quét sạch toàn bộ một thành phố và tàn phá những vùng đất xung quanh.

Giả thuyết: Liệu một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất? - 3

Viễn cảnh Trái Đất bị diệt vong là hình ảnh dễ thấy trên các bộ phim truyền hình (Ảnh minh họa).

"Nếu Trái Đất va chạm với một tảng đá không gian có bề rộng trên 1 km, nó có thể sẽ kích hoạt sự kết thúc của nền văn minh nhân loại bằng cách giải phóng các thảm họa khí hậu toàn cầu", GS. Gerrit L. Verschuur, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học Rhodes ở Memphis, Tennessee (Mỹ) cho biết.

"Tác động ban đầu của va chạm tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ, giết chết bất kỳ ai có thể nhìn thấy nó", Gs. Verschuur nói. "Sau đó, bụi từ vụ va chạm và khói từ đám cháy sẽ bao trùm Trái Đất, đẩy hành tinh của chúng ta vào cái gọi là kỷ băng hà".

Trong giai đoạn này, bụi và khí độc sẽ che khuất bầu trời đến nỗi thực vật không thể biến ánh sáng mặt trời thành năng lượng thông qua quá trình quang hợp.

Đời sống thực vật diệt vong trên khắp thế giới, kéo theo động vật sẽ sớm có kết cục tương tự. Theo ước tính, chỉ có những động vật rất nhỏ và ẩn sâu dưới lòng đại dương mới có thể sống sót nhờ ít chịu tác động từ môi trường.

Giả thuyết: Liệu một tiểu hành tinh có thể phá hủy Trái Đất? - 4

Ảnh đồ họa mô phỏng tàu vũ trụ Dart của NASA lao vào một tiểu hành tinh cách Trái Đất 11 km trong sứ mệnh được thực hiện thành công ngày 27/9 (Ảnh: NASA).

Có thể thấy rằng, tác động của các tiểu hành tinh đối với Trái Đất sẽ gây ra một sự tàn phá và tổn thất cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí gây ra sự tuyệt chủng của nhân loại theo đúng nghĩa đen.

Vì vậy, đầu tư vào việc bảo vệ hành tinh khỏi các vật thể vũ trụ nguy hiểm có thể mang lại cho nhân loại sự an tâm nhất định, đồng thời ngăn chặn những thảm họa có thể xảy ra.

Để bảo vệ Trái Đất khỏi những thảm họa từ ngoài không gian, NASA lên nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có phương án "đánh chặn" các tiểu hành tinh từ không gian, với điểm nhấn là sứ mệnh DART vừa được thực hiện thành công cách đây ít ngày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm