1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Gia đình tá hỏa khi phát hiện trăn khủng chui lên từ ống thoát nước nhà bếp

T.Thủy

(Dân trí) - Một gia đình tại Thái Lan đã có phen hốt hoảng khi phát hiện con trăn cỡ lớn chui lên từ bên dưới ống thoát nước của bồn rửa bát trong nhà bếp.

Ju Meen, 25 tuổi, sống tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã thức dậy vào nửa đêm vì nghe thấy tiếng động lớn phát ra từ bên trong nhà bếp. Khi bật đèn để kiểm tra, Meen đã phải "đứng hình" khi phát hiện thấy một con trăn cỡ lớn đang chui lên từ bên dưới ống thoát nước của bồn rửa chén trong nhà bếp.

Ju Meen đã cảnh báo các thành viên khác trong gia đình về sự xuất hiện của con vật, sau đó gọi điện đến lực lượng cứu hộ địa phương để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi lực lượng cứu hộ đến nơi, họ đã không thể bắt giữ con trăn vì kích thước của nó quá lớn trong khi nhà bếp của Meen lại quá chật hẹp.

Gia đình tá hỏa khi phát hiện trăn khủng chui lên từ ống thoát nước nhà bếp (Video: VPress).

Sau một hồi trườn bò khắp nhà bếp, con trăn cũng đã tìm được lối thoát qua cửa sổ của nhà bếp và lặn xuống một con kênh gần đó rồi biến mất.

"Thật kinh khủng. Tôi nghe thấy tiếng động lạ trong nhà bếp và bước vào kiểm tra, nhưng không thể nào ngờ được rằng đó là một con trăn cỡ lớn như vậy. Gần nhà tôi có một con kênh và nhiều khả năng con trăn đã chui lên từ đó".

"Các chuyên gia động vật đã để cho con trăn tự rời đi vì lo ngại rằng nó quá lớn và mạnh, nếu họ can thiệp bắt giữ con vật sẽ phá hủy luôn cả nhà bếp của tôi. Thật may mắn vì con trăn đã tìm được lối thoát qua cửa sổ và không có ai bị thương trong sự việc này", Ju Meen chia sẻ.

Con vật trườn vào nhà Ju Meen được xác định là một cá thể trăn gấm, là một trong những loài bò sát lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình khoảng hơn 6m, có những cá thể đạt chiều dài lên đến 9 hoặc 10m.

Giống các loài trăn khác, trăn gấm không có nọc độc và săn mồi bằng cách cuốn thân quanh con mồi rồi siết chặt cho đến chết. Dù không có nọc độc, trăn gấm sở hữu hàm răng sắc nhọn và cú cắn với lực mạnh. Những vết cắn của trăn gấm làm chảy nhiều máu và có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng vì miệng của loài trăn này có chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm.

Dù có sức mạnh, thậm chí đủ sức để giết chết con người, trăn gấm không được xem là nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu trăn gấm bị kích động, sợ hãi hay lầm tưởng tay chân người là thức ăn thì chúng có thể cắn và siết chặt con người, thậm chí đã có những trường hợp trăn gấm ăn thịt người đã được ghi nhận.

Trăn gấm có môi trường sống trải rộng, từ rừng, đầm lầy, kênh rạch và thậm chí cả ở thành phố, khu dân cư… do vậy chúng thường xuyên chui vào nhà hoặc đụng độ con người.

Hiện Thái Lan đang bước vào mùa mưa nên số lượng trăn, rắn tại quốc gia này xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt tại khu dân cư, khi các loài rắn tìm kiếm nơi khô ráo và ấm áp để lẩn trốn. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 11, lực lượng cứu hộ tại Thái Lan trung bình cứ 15 phút lại nhận được một cuộc gọi từ người dân, nhờ hỗ trợ bắt trăn, rắn bò vào nhà.

Theo YN/VPress