1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Gấu và hổ Siberia chạm trán ở Ấn Độ

Minh Khôi

(Dân trí) - Hai đối thủ nặng ký trong thế giới động vật có màn chạm trán quyết liệt, và suýt chút nữa đã vồ lấy nhau.

Video ghi lại cảnh gấu và hổ Siberia chạm trán ở Ấn Độ (Video: Dr Rajiv Kumar Gupta).

Du khách tại Khu bảo tồn hổ Pilibhit ở miền bắc Ấn Độ mới đây đã chứng kiến cảnh tượng cực kỳ hiếm gặp, khi một con gấu và một con hổ Siberia (phân loài hổ lớn nhất còn tồn tại) chạm trán nhau.

Video ghi lại cảnh tượng này đã thu hút hơn 24 ngàn lượt xem sau khi được đăng tải trên mạng xã hội X. Video cho thấy con hổ cái đang đi thong thả trên một đoạn đường đất, thì bất chợt dừng lại khi thấy một con gấu phía trước.

Đây dường như là họ gấu lợn, hay gấu Ấn Độ (tên khoa học: Melursus ursinus). Chúng nhỏ hơn khá nhiều so với gấu nâu và gấu đen châu Á, đồng thời cũng ít hung dữ hơn.

Con hổ hạ thấp trọng tâm, nằm sát xuống nền đất như để sẵn sàng thủ thế. Chứng kiến cảnh tượng này, con gấu chỉ lặng lẽ bước qua, trước khi đi vào trong bụi rậm.

Tuy nhiên ở một phân cảnh tiếp theo, con gấu bất ngờ quay ngược lại, lao thẳng về phía hổ một cách đầy hung dữ. Khoảng cách giữa chúng có lẽ chỉ còn vài cm, và một cuộc chiến là điều được nhiều người nghĩ tới.

Tuy nhiên, hai kẻ săn mồi khét tiếng trong tự nhiên lại khiến tất cả du khách phải bất ngờ, khi quyết định "đường ai nấy đi". Con gấu sau khi có hành động gây hấn, đã quay đầu và rút lui vào trong bụi cây.

Con hổ cũng chỉ lặng lẽ dõi theo mà không hề có động thái nào cho thấy nó muốn tấn công đối thủ.

Gấu và hổ Siberia chạm trán ở Ấn Độ - 1

Du khách tại Khu bảo tồn hổ Pilibhit ở miền bắc Ấn Độ đã chứng kiến cuộc chạm trán giữa một con gấu và một con hổ (Ảnh: Jitender Govindani).

Theo Tara Pirie, một chuyên gia về sinh thái và bảo tồn tại Đại học Surrey (Anh), những kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn trong tự nhiên thường có sự tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt là khi chúng có kích thước tương đồng.

"Con hổ đã dành thời gian quan sát con gấu, đánh giá kích thước để có thể hiểu thêm về nó", Pirie nhận xét. "Con gấu cũng đã có những đánh giá nhất định về đối thủ, và cả hai quyết định không tấn công lẫn nhau".

"Những kẻ săn mồi có sức mạnh và kích thước tương tự có xu hướng tránh những cuộc đánh nhau không cần thiết, vì đánh nhau sẽ lãng phí năng lượng và khiến cả hai bên có nguy cơ bị thương", Pirie cho biết thêm.

GS. Jitender Govindani, thành viên hội đồng khoa học ở Hyderabad (Ấn Độ) cho biết trong trường hợp này, con hổ cái chủ động tránh tham gia vào cuộc ẩu đả, vì nó đang nuôi 3 con hổ con vào thời điểm chạm trán, và biết rằng không thể chịu bất kỳ vết thương nào.

Govindani lưu ý rằng con hổ cái dường như đã đầu hàng khi con gấu lao tới, và không có bất kỳ động thái nào cho thấy nó sẽ phòng thủ.

Theo đó, con gấu cũng tỏ ra hung hãn chỉ để thể hiện sự sẵn sàng đối đầu với con hổ nếu bị khiêu khích và kéo vào một cuộc chiến.

Tuy nhiên, khi hổ cho thấy động thái của sự đầu hàng, gấu cũng lặng lẽ bỏ đi.

Gấu và hổ Siberia chạm trán ở Ấn Độ - 2

Hổ Siberia là loài hổ lớn nhất trong tự nhiên tại thời điểm hiện nay (Ảnh: Getty).

Hổ Siberia, hay hổ Amur (tên khoa học (Panthera tigris altaica), từng phân bố khắp bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc, vùng Viễn Đông của Nga và phía Đông Mông Cổ.

Đây là phân loài hổ có kích thước lớn nhất so với các phân loài hổ khác, và cũng là loài săn mồi họ mèo lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, tình trạng thu hẹp môi trường sống và nạn săn bắn từ con người khiến chúng trở thành một trong 10 loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Ước tính, số lượng hiện nay của hổ Siberia chỉ còn khoảng 400 cá thể.

Hổ Siberia trưởng thành có thể tấn công cả những con gấu có kích thước lớn hơn chúng bằng cách phục kích từ trên cây, sau đó tung ra một cú cắn chí mạng vào cột sống.

Theo tổng hợp tại khu bảo tồn thiên nhiên Sikhote-Alin (Nga), trong số 44 cuộc đối đầu trực tiếp giữa gấu nâu và hổ đã được quan sát thấy trong tự nhiên, gấu là nạn nhân bị giết trong 22 trường hợp, còn hổ chỉ thất bại trong 12 trường hợp.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại cho thấy rằng gấu thường xuyên theo dõi những con hổ để chiếm đoạt những con mồi vừa săn được của chúng.

Một báo cáo từ năm 1973 mô tả 12 trường hợp gấu nâu đã giết chết hổ, kể cả những con đực trưởng thành, và ăn thịt chúng. Điều này cho thấy giữa gấu và hổ rõ ràng có sẵn những mối hiềm khích và sự tranh giành lãnh thổ nếu chúng ở cùng một khu vực.