EU sẵn sàng tài trợ cho Việt Nam để phát triển khoa học
(Dân trí) - Trao đổi với báo chí, Ông Kostas Glinos - Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế thuộc Tổng vụ nghiên cứu và đổi mới EU (Ủy ban châu Âu) cho biết: “Nếu nhận được các đơn đề nghị tài trợ có chất lượng, EU sẵn sàng tiếp cận hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới”
Thưa ông, Sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU” (ASEAN-EU STI Days 2016) (từ 10-12/5) tổ chức tại Việt Nam đã kết thúc thành công. Vậy trong thời gian tới, EU có những ưu tiên hợp tác gì trong khoa học với Việt Nam?
Ông Kostas Glinos: Chương trình đến thăm Việt Nam lần này đó là chúng tôi mở ra cơ hội cho mọi lĩnh vực hợp tác chứ không giới trong hạn lĩnh vực nào cả. Tất nhiên, một phần cũng phụ thuộc vào sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, quan tâm tới lĩnh vực nào cụ thể. Nếu chúng tôi nhận được các đơn đề nghị tài trợ có chất lượng cao, chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp cận hỗ trợ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực y tế, nuôi trồng thủy sản và lĩnh vực quản lý thủy lợi.
Mục đích chuyến công tác của chúng tôi không phải để chi tiết hóa các chương trình hợp tác song phương mà chủ yếu thu hút, khuyến khích các đối tác ở Việt Nam tham gia chương trình “Chân trời 2020”. Đây là chương trình nghiên cứu và đổi mới của Liên minh châu Âu, với 80 tỷ euro được hỗ trợ thông qua chương trình “Chân trời 2020” cho tất cả các nhà nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới. Hiện tại có khoảng hơn 100 tổ chức, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam đã và đang tham gia.
Vậy những lợi ích cụ thể trong các lĩnh vực nếu Việt Nam hợp tác tham gia chương trình “Chân trời 2020”là gì, thưa ông?
Ông Kostas Glinos: Tôi có thể kể ra một số lĩnh vực cụ thể mà sự hợp tác hai bên rất quan trọng như: Trong lĩnh vực y tế, liên quan đến virus Zika, chúng tôi đã kết hợp với các quốc gia khác như Brazil tài trợ một khoản tài chính lớn vào việc này. Nếu các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam tham gia chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón.
Ngoài ra, chúng tôi còn có các chương trình về những dòng sông lớn và chúng tôi muốn kết hợp giữa nhu cầu về năng lượng với nhu cầu về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhu cầu nước sạch. Chúng tôi có một chương trình nghiên cứu về sông Đa Nuýp. Sau chương trình nghiên cứu này chúng tôi thấy rằng những điều nghiên cứu và giải pháp đưa ra rất quan trọng đối với các dòng sông ở Việt Nam, ví dụ như sông Mê Kông. Đây là dòng sông liên quan đến 5 quốc gia trong khu vực, có rất nhiều thách thức mà chúng ta phải đương đầu.
Về vấn đề nuôi trồng thủy sản thì Liên minh châu Âu nhập khẩu rất nhiều hải sản, tôm cá từ Việt Nam và điều được coi trọng là đảm bảo chất lượng cũng như việc canh tác. Vì vậy, rất nhiều chương trình hợp tác được đưa ra giữa các trường đại học, các công ty ở châu Âu với các trường đại học, công ty ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Đô thị hóa cũng là vấn đề chúng tôi quan tâm. Hiện nay có nhiều thành phố lớn đang phát triển rất nhanh và chúng ta cần đưa ra giải pháp cho sự phát triển đó. Trong khi đó châu Âu có nhiều giải pháp, nghiên cứu trong việc giảm thiểu ô nhiễm khí thải để biến thành phố trở lên thông minh hơn. Khi Việt Nam tham gia chương trình sẽ có nhiều lợi ích bởi Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện là 2 thành phố rất phát triển ở Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng rằng, sau sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU” các doanh nghiệp, cơ quan và trường ĐH của Việt Nam sẽ tham gia tích cực hơn chương trình “Chân trời 2020”. Chương trình sẽ mang lại những lợi ích cho các đơn vị tham gia.
Điều kiện để Việt Nam tham gia chương trình “Chân trời 20-20” Việt Nam là gì?
Ông Kostas Glinos: “Chân trời 2020” là một chương trình mở nên các cơ quan, doanh nghiệp, trường ĐH ở Việt Nam đều có thể tham gia mà không phải chịu một điều kiện gì. Song, chúng tôi tài trợ cho sự hợp tác chứ không tài trợ cho những tổ chức đơn lẻ. Vì vậy, khi tham gia, các tổ chức đến từ Việt Nam sẽ liên danh với các tổ chức, doanh nghiệp ở châu Âu hoặc các nước khác.
Tóm lại, tất cả các lĩnh vực thuộc Khoa học, công nghệ và đổi mới chúng tôi đều cởi mở và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, việc hợp tác Khoa học Công nghệ và Đổi mới giữa Việt Nam và EU là một sự hợp tác có nhiều tiềm năng.
Xin cảm ơn ông!
Nhữ Trang (thực hiện)