“Em bé có ba cha mẹ” sẽ ra đời trong năm 2017
(Dân trí) - Sau khi phân tích tiền lâm sàng, các nhà khoa học rằng, “những em bé có ba cha mẹ” có thể trở thành hiện thực vào cuối năm sau. Hiện nay, phương pháp gây tranh cãi này đang được trình lên các nhà quản lý xem xét liệu nó có thể được cấp phép để sử dụng cho phụ nữ ở Anh hay không.
Liệu pháp thay thế ty thể là thay thế một lượng nhỏ ADN bị lỗi ở trứng của một người mẹ bằng ADN khỏe mạnh từ một người phụ nữ khác. Còn được gọi là “em bé có ba cha mẹ”, có nghĩa là em bé sẽ thừa hưởng gen từ một người cha và hai người mẹ.
Bằng cách loại bỏ ADN bị lỗi, các nhà khoa học có thể làm giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh ty thể, là bệnh di truyền từ mẹ sang con. Đây là căn bệnh rất hiếm gặp nhưng lại vô cùng nghiêm trọng và có xu hướng phát ra khi trẻ còn nhỏ và đôi khi có thể gây tử vong trước tuổi trưởng thành.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy, quá trình thụ tinh trứng bất thường ở người khả thi về mặt kỹ thuật, tuy nhiên chúng hạn chế khả năng phát triển tiếp.
Một kỹ thuật mới được gọi là "Early pronuclear transfer” (chuyển tiền nhân sớm) không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về sau và sẽ làm giảm rất nhiều lỗi của ty thể trong phôi. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature đã sử dụng hơn 500 trứng từ 64 phụ nữ hiến tặng.
Giáo sư Doug Turnbull, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ty thể và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này sử dụng trứng của người bình thường là một bước tiến lớn trong nghiên cứu của chúng tôi nhằm hướng tới việc ngăn ngừa lây truyền bệnh DNA ti thể. Thông điệp chính là chúng tôi chưa tìm ra bằng chứng nào chứng minh là kỹ thuật này không an toàn. Phôi được tạo ra bởi kỹ thuật này có tất cả những đặc tính dẫn đến việc thụ thai. Nghiên cứu trên tế bào gốc cho thấy, mặc dù có thể không đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa sự lây truyền nhưng với nhiều phụ nữ mang những đột biến này thì nguy cơ gây lây nhiễm ít hơn nhiều so với thụ thai tự nhiên”
Nghiên cứu này sẽ được xem xét bởi Cơ quan Quản lý Thụ tinh Nhân tạo và Phôi (HFEA) nhằm xác định liệu nó có được cấp giấy phép và hoàn thành các thủ tục để trở thành phương pháp điều trị cho phụ nữ hay không.
Giáo sư Turnbull cho biết, vẫn còn quá sớm để biết chính xác khi nào các thủ tục được phê duyệt, nhưng ông hy vọng những đứa trẻ đầu tiên sẽ được tạo ra vào cuối năm tới. Ông nhấn mạnh việc nghiên cứu tiếp tục hay không phải được cơ quan quản lý nghiên cứu phôi chấp thuận. Nhiều cặp vợ chồng mà người phụ nữ mắc bệnh ty thể đang rất nôn nóng chờ đợi các thủ tục được thông qua.
Liz Curtis có con gái Lily đã mất vì bệnh ty thể khi mới tám tháng tuổi và hiện đang điều hành Quỹ Lily nhằm hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi các tình trạng tương tự, cho biết: “Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng các cặp vợ chồng sẽ sớm có cơ hội phát triển gia đình của mình bằng kỹ thuật này, sau khi nghiên cứu không phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào về an toàn, và các nhà nghiên cứu cho rằng, kỹ thuật này có thể ngăn ngừa bệnh ty thể di truyền từ mẹ sang cho con. Đối với rất nhiều gia đình, đây là cơ hội duy nhất để có một em bé không mắc bệnh ty thể”
Vào tháng 2/2015, các nghị sĩ đã bỏ phiếu cho phép nghiên cứu “em bé có ba cha mẹ”, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ các tổ chức tôn giáo trong đó có Giáo hội Công giáo và Giáo hội Anh. Các ý kiến cho rằng việc này sẽ y học hóa một cách không cần thiết cuộc sống và quan niệm về trẻ em. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng nó mang tới sự giúp đỡ vô giá cho các gia đình có các thể trạng di truyền nghiêm trọng.
Minh Trang (Independent)