(Dân trí) - Hiện tượng El Nino diễn ra đúng thời điểm thế giới đang phải đối mặt với vấn đề nóng lên toàn cầu, gióng hồi chuông về một thảm họa khí hậu mà nhân loại phải đối mặt.
Hiện tượng El Nino diễn ra đúng thời điểm thế giới đang phải đối mặt với vấn đề nóng lên toàn cầu, gióng hồi chuông về một thảm họa khí hậu mà nhân loại phải đối mặt.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuyên bố vào ngày 4/7, hiện tượng El Nino đã đến, thế giới phải đối mặt với nhiệt độ cực cao, việc các quốc gia chuẩn bị cho những sự kiện thời tiết khắc nghiệt là rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về con người và kinh tế.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng El Nino năm nay sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng "ngoài mức cho phép", gây ra những đợt nắng nóng chưa từng có ở một số khu vực và lũ lụt tại một số nơi khác.
Cho đến nay, khí nhà kính do các hoạt động của con người thải ra là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.
Đặc biệt, vấn đề này kết hợp với El Nino sẽ gây ra sự gia tăng các đợt sóng nhiệt chết người, mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán hay tạo nên những siêu bão tấn công chúng ta... Đây được coi như một thảm họa toàn cầu.
Mùa hè năm 2022, khi El Nino chưa xuất hiện, vấn đề nóng lên toàn cầu đã gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia trên thế giới, điển hình như những đợt nắng nóng gay gắt, cháy rừng trên diện rộng ở Mỹ và châu Âu, đến những trận lũ lụt tàn khốc ở Pakistan, Nigeria khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Việc các quốc gia đang quá chậm chạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đã làm suy yếu cơ hội của chúng ta trong việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Hiện tại thế giới lại phải đối mặt với hiện tượng El Nino.
El Nino là khi gió thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo chậm lại, nước ấm bị đẩy về phía đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện khoảng 3-4 năm/lần và kéo dài 8-12 tháng.
Lần gần nhất hiện tượng này xuất hiện là vào năm 2016, đây cũng là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Con người không thể ngăn chặn được quy luật tự nhiên mà phải học cách thích nghi, ứng phó với vấn đề này.
Nhưng trớ trêu thay, El Nino lại diễn ra đúng thời điểm vấn đề nóng lên toàn cầu đang khó kiểm soát, tạo thành "cơn sốt kép" cho hành tinh chúng ta. Những chính sách, hành động của các quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu trong thập kỷ này sẽ gây ảnh hưởng đến hàng thiên niên kỷ tiếp theo.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo: "Kịch bản cho phép thế giới ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu đến ngưỡng tăng 1,5 độ C đang đóng lại nhanh chóng. Các chính sách, hành động từ những quốc gia trên thế giới trong thập kỷ này sẽ tác động đến hiện tại và hàng nghìn năm nữa".
Số liệu do các nhà khoa học công bố cho thấy, xuyên suốt lịch sử loài người, chúng ta đã tạo ra khoảng 2,4 nghìn tỷ tấn phát thải khí nhà kính (GHG) vào môi trường.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng ba thập kỷ qua, con người đã phát thải tới 40% trong tổng số lượng khí GHG được công bố ở trên.
Nồng độ khí CO2, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu đang phá kỷ lục hàng năm và sự nóng lên toàn cầu kết hợp với El Nino rất có thể khiến nhiệt độ trung bình thế giới vượt quá 1,5⁰C trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh này, tất cả các khu vực trên thế giới dự kiến sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa khí hậu ngày càng khốc liệt hơn, ảnh hưởng nặng nề tới con người và các hệ sinh thái.
Các mối đe dọa như sự gia tăng các đợt nắng nóng chết người, sông băng tan chảy, axit hóa, mực nước biển dâng cao, thiếu nước, lũ lụt, lây lan dịch bệnh, suy giảm sản xuất lương thực, đặc biệt là sức khỏe con người.
Trong vài thập kỷ tới, biến đổi khí hậu còn dẫn đến hàng chục triệu người buộc phải rời bỏ quê hương, tị nạn tại các khu vực khác do họ không thể thích nghi với môi trường sống cũ.
Đầu mùa hè năm nay, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với hàng loạt những kỷ lục nắng nóng. Tháng 4 vừa qua, một đợt sóng nhiệt đã càn quét qua phần lớn châu Á khiến nhiều người thiệt mạng và trường học phải đóng cửa do nắng nóng.
Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera đã mô tả nhiệt độ cao bất thường này là "đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á".
Việt Nam cũng không ngoại lệ trong vấn đề này, số liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong hai ngày 19-20/4, huyện Mường La (Sơn La) ghi nhận nhiệt độ đạt mức 42,8 độ C, đây là mức nhiệt cao nhất trong tháng 4 và cao chưa từng có trong lịch sử quan trắc trạm khí tượng Mường La.
Thời tiết nắng nóng, một số bang tại quốc gia Ấn Độ đã phải đóng cửa trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhiều trẻ em đã gặp các vấn đề về sức khỏe như say nắng, đau đầu.
Đất nước Thái Lan đã phải đưa ra những cảnh báo về sức khỏe, đặc biệt đối với những người thường xuyên tập thể dục hoặc làm việc nhiều giờ bên ngoài trời. Quốc gia này đã bày tỏ nhiều lo ngại khi El Nino có thể gây ra hạn hán và khả năng mất mùa.
Các nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ cao và khắc nghiệt hơn dự kiến có thể xảy ra trong những tháng tới.
Đáng chú ý, châu Âu đang là một trong những khu vực phải hứng chịu nắng nóng cả trên đất liền và biển. Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, năm 2023 tại châu Âu có thể sẽ là năm nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu.
Các quốc gia tại đây đang phải đối mặt với nhiều áp lực về nguồn năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải do những ảnh hưởng từ nắng nóng khắc nghiệt đối với người dân.
William Collins, giáo sư khí hậu, Đại học Reading (Vương quốc Anh) cho biết: "Việc ghi nhận nhiệt độ trung bình tăng 2,3 độ C do biến đổi khí hậu ở châu Âu là một tin gây sốc. Tốc độ ấm lên ở khu vực này có thể đạt gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu".
Trong những thập kỷ qua, các quốc gia châu Âu đối mặt với các hiểm họa tự nhiên liên quan đến khí hậu, thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, cháy rừng, nắng nóng, bão và mưa lớn.
Biến đổi khí hậu kết hợp El Nino khiến những hiện tượng thời tiết trên trở nên dữ dội và thường xuyên hơn. Nhiệt độ khắc nghiệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các nhóm người dễ bị tổn thương mà còn gây rối loạn giấc ngủ cho mọi người.
Nước tại các sông, hồ ở châu Âu đang cạn kiệt. Tài nguyên đất cũng trở nên khô hơn, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn (cháy rừng) và giảm năng suất nông nghiệp.
Một số vùng khác của Châu Âu cũng đang trải qua những trận mưa xối xả chết người, làm ngập các tòa nhà, gây hư hại tài sản và cơ sở hạ tầng.
Vùng ven biển có nguy cơ bị nước dâng do bão, cũng như hiện tượng rét đậm, rét hại xuất hiện thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Những sự kiện này là lời nhắc nhở chúng ta về sự thay đổi và biến động khí hậu, châu Âu cần phải thích nghi cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Đồng thời, các quốc gia cần hành động để giảm mạnh lượng khí thải carbon nhằm làm chậm và hạn chế nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo khi El Nino xảy ra bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, con người trên thế giới có thể chứng kiến những kỷ lục nhiệt mới vào mùa hè này, thậm chí là kéo dài đến mùa hè năm sau.
Tất cả những rủi ro ở trên sẽ tăng lên nếu chúng ta không thể hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5⁰C.
Đáng buồn thay, các nhà khoa học hé lộ, mức tăng 1,5 độ C hoàn toàn có khả năng xảy ra trong năm nay và kéo dài vài năm tới do ảnh hưởng của El Nino. Thế giới giờ đây sẽ phải cùng nhau hành động, hỗ trợ con người để họ có thể thích nghi với các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra bất cứ lúc nào.
Mặt khác, biến đổi khí hậu kết hợp El Nino đang làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài và gây ra sự mất mát không thể đảo ngược trong đa dạng sinh học.
Băng ở Greenland và một phần của băng ở Nam Cực đang bị mất dần, điều này sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể mực nước biển. Nước biển ấm lên khiến san hô, vốn chiếm gần 30% các loài sinh vật biển, sẽ bị diệt vong.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Petteri Taalas cho biết: "Sự khởi đầu của El Nino sẽ làm tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ, gây ra nắng nóng cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới và đại dương".
Tuyên bố của WMO chính là tín hiệu cho các chính phủ cần có sự chuẩn bị để đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tới đây.
Hạn hán sẽ xảy ra ở một số nơi trên thế giới và lũ lụt ở những khu vực khác. Đặc biệt, chúng ta phải có những phương án hỗ trợ khẩn cấp cho những khu vực đang bị mất an ninh lương thực, đặc biệt cho hơn một nửa dân số ở Nam Phi.
Hơn 80% dân số Nam Phi dựa vào nông nghiệp, mùa màng thất bát khiến người dân không có thực phẩm, đi cùng là mất nguồn thu nhập.
Nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với giá cả thị trường tăng cao, trong trường hợp các gia đình hết lương thực, tiền bạc sẽ thay đổi toàn bộ cuộc sống của họ, trẻ em phải bỏ học và người dân thiếu nước để uống, tắm rửa.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra như các nhà khoa học đã cảnh báo, đây không phải là sự gia tăng nhiệt độ ngoài dự kiến. Năm 2023 sẽ trở thành năm nóng nhất được ghi nhận và xung nhiệt lớn hơn sẽ xuất hiện vào năm 2024.
Để hy vọng thay đổi quỹ đạo, thế giới phải tìm mọi cách khiến nhiệt độ trung bình không vượt quá 1,5⁰C. Chúng ta cần cắt giảm lượng khí thải nhà khí toàn cầu ngay từ bây giờ, tiến tới cắt giảm 50% vào năm 2030 so với mức của năm 2019.
Nhưng sức nặng của nhiên liệu hóa thạch trên Trái Đất vẫn đang rất lớn, lượng khí thải liên quan đến các dự án hiện có hoặc các dự án đang được phát triển có thể khiến hành tinh của chúng ta nóng lên 2⁰C.
Năm 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng các khoản trợ cấp cho tài nguyên hóa thạch đã vượt quá 1.000 tỷ đô la. IPCC cảnh báo nhân loại phải tôn trọng những gì còn lại trong "ngân sách carbon" của mình, đây là thứ mà chúng ta đang đốt cháy rất nhanh do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan này đã đưa ra một báo cáo nêu rõ, các chính phủ nếu không có các biện pháp hành động ngay lập tức và đầy tham vọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, ngân sách để thế giới ngăn chặn nhiệt độ tăng quá 1,5⁰C sẽ gần như cạn kiệt vào năm 2030.
Cùng với đó, chúng ta phải nhanh chóng hướng tới mục tiêu tổng thể là trung hòa carbon vào năm 2050. Chuyển dịch năng lượng là ưu tiên hàng đầu để các quốc gia dần loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, vốn vẫn chiếm hơn 80% hỗn hợp năng lượng toàn cầu.
Năng lượng tái tạo ngoài tác động tốt đối với khí hậu, nó còn mang lại lợi ích đối với chất lượng không khí, sức khỏe con người. Báo cáo của IPCC cũng nhấn mạnh, các thành phố cần phân bố mật độ dân cư phù hợp, xây dựng "thành phố xanh", cũng như sự phát triển giao thông công cộng thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, việc giảm lãng phí thực phẩm cũng là một yếu tố cần thiết, thay đổi chế độ ăn uống của chúng ta dần hướng tới nền nông nghiệp "bền vững".
Các nhà khoa học cũng đang kêu gọi bảo vệ 30-50% hệ sinh thái tự nhiên của hành tinh, xây dựng chiến lược quốc tế để hạn chế nạn phá rừng, đặc biệt là ở các khu rừng nhiệt đới vốn là những bể chứa carbon quan trọng.
Nuôi dưỡng tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ các bể chứa carbon tự nhiên sẽ không đủ trong bối cảnh Trái Đất có tới 3,6 tỷ người sống trong những khu vực "rất dễ bị tổn thương". Trước tác động của sự nóng lên toàn cầu, chính phủ các nước cần phải đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp thích ứng.
Một vấn đề khác chính là dòng tài chính dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu hiện không đủ, hành động chậm trễ của các quốc gia cho vấn đề này đang ảnh hưởng xấu đến mục tiêu của các quốc gia đang phát triển.
Hiện nay, sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng tăng, nó sẽ kéo theo những tổn thất, thiệt hại về cả con người và kinh tế.
Đã đến lúc chúng ta không thể xem nhẹ sự thay đổi khí hậu của thế giới. Con người phải cùng nhau hành động từ bây giờ để bảo vệ hành tinh, không chỉ cho cuộc sống hiện tại mà cho cả các thế hệ mai sau.
(Tổng hợp từ The Guardian, Europa, Le Devoir, Care-International, National Geographic, IPCC).