Dù văn hóa khác biệt, các dân tộc vẫn hiểu được âm nhạc của nhau
(Dân trí) - Mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau và thẩm mỹ âm nhạc khác nhau. Nhưng bất chấp những khác biệt đó, con người vẫn có thể hiểu được âm nhạc của các nền văn hóa đa dạng.
Hầu như mỗi nền văn hóa trên thế giới đều có những đặc trưng âm nhạc riêng, hãy thử so sánh âm thanh tiếng sáo didgeridoo của thổ dân Úc vọng lại qua những vùng đất xa xôi hẻo lánh với một lễ hội rộn tiếng trống và bass. Âm nhạc dường như cũng đóng những vai trò khác nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Trong một vài nền văn hóa, âm nhạc là truyền thống hay nghi lễ, trong khi với những nền văn hóa khác, nó thể hiện cảm xúc hay đơn giản là làm nền cho điệu nhảy.
Nhưng bất chấp những khác biệt hiển nhiên này, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các đặc điểm của âm nhạc vượt xa khuôn khổ những nền văn hóa khác nhau, đóng vai trò như một thứ “ngôn ngữ thế giới”.
Didgeridoo – nhạc cụ truyền thống của thổ dân Úc.
Trong một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Current Biology, các nhà tâm lí học đưa ra bằng chứng cho thấy rằng các dân tộc, dù khác biệt về lai lịch, có thể dễ dàng xác định giai điệu một bài hát và nói được đó là một bài hát ru, nhạc nhảy, hay một bài hát tôn giáo. Kì lạ thay, mọi người lại khó đoán được giai điệu đó có phải là một bài ca về tình yêu không.
Samuel Mehr, nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard, cho biết: “Bất chấp sự đa dạng đáng kinh ngạc của âm nhạc do ảnh hưởng của vô số nền văn hóa và có sẵn với những người nghe nhạc hiện đại, bản chất con người của chúng ta có thể làm nền tảng cho những cấu trúc âm nhạc cơ bản vượt qua sự khác biệt văn hóa”.
Đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Manvir Singh bổ sung: “Loài người cho thấy rằng tâm lý chung của chúng ta tạo ra những kiểu mẫu cơ bản trong bài hát vượt khỏi phạm vi những khác biệt sâu xa về văn hóa. Điều này cho thấy những phản ứng về cảm xúc và hành vi đối với các kích thích về thẩm mỹ của những quần thể người phân bố rộng rãi rất giống nhau”.
Các nhà tâm lý học đến từ Đại học Havard đã yêu cầu 750 người đến thuộc 60 quốc gia khác nhau lắng nghe các đoạn trích ngắn từ các bài hát. Những bài hát này thuộc 86 xã hội nhỏ khác nhau ở khắp nơi trên thế giới, từ vùng Cao nguyên Scotland đến mũi nam Nam Mỹ và tất cả những nơi ở giữa.
Sau đó họ yêu cầu những người tham gia đánh giá xem bài hát đó được dùng để làm nền cho điệu nhảy, ru em bé ngủ, chữa lành bệnh tật, thể hiện tình yêu, khóc thương người đã mất, hay kể một câu chuyện. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra những câu hỏi về số lượng ca sĩ, giới tính ca sĩ, loại nhạc cụ được dùng, và giai điệu, tốc độ và sự dễ chịu của âm thanh.
Hầu hết những người tham gia, dù hoàn toàn không quen thuộc với loại nhạc họ nghe, đều có thể xác định chức năng và những đặc điểm của bài hát.
Tuy nhiên, những người tham gia gặp vấn đề trong việc xác định tình ca. Nghiên cứu không thể lí giải rõ ràng 100% lí do của việc này, tuy nhiên có vẻ như loại nhạc này phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa. Các nhà nghiên cứu đã thấy được mối quan hệ kì lạ khác giữa các bài hát ru và nhạc nhảy.
Nhà tâm lý học Mehr cho biết: “Những người tham gia không chỉ giỏi xác định nhất các bài hát thuộc hai thể loại này, những đặc trưng của hai thể loại nhạc này dường như còn đối chọi với nhau ở rất nhiều phương diện”. Hai thể loại này dường như nằm ở hai đầu cán cân, một chậm rãi và thư thái, còn một thì nhanh và sôi động.
Lộc Ninh (Theo IFLScience)