Đo dòng điện để nhằm vào mục tiêu tế bào ung thư
(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại trường Bách khoa liên bang Thụy Sỹ (EPFL) đã sử dụng hình ảnh điện hóa để tiến tới lập bản đồ sự phân bố của các phân tử sinh học trong mô. Công nghệ này chỉ sử dụng các dấu hiệu nội sinh mà không phải các chất tương phản, có thể là phương thức thay thế cho các kỹ thuật chụp hình tế bào hiện nay.
Trong lĩnh vực chẩn đoán trị liệu, các nhà nghiên cứu sử dụng thông tin không gian về tế bào ung thư trong cơ thể để tìm ra các liệu pháp mục tiêu. Nhưng, phương thức này đòi hỏi các dấu hiệu huỳnh quang. Các hình ảnh điện hóa chỉ sử dụng các dấu hiệu điện hóa tự nhiên hoặc nội sinh của mô, cũng có thể cung cấp cho các bác sỹ thông tin cần thiết cho việc chẩn đoán và điều trị.
Trong một đột phá gần đây, các nhà nghiên cứu tại EPFL đã áp dụng kỹ thuật kính hiển vi điện hóa quét để tạo ra hình ảnh của hemoglobin trong tim chuột.
Để lập bản đồ sự phân bố của các dấu hiệu sinh học và vật liệu nano trong mô người và động vật, nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy quét được trang bị đầu dò điện hóa. Thiết bị này có tám vi điện cực linh hoạt đặt cạnh nhau. Thiết bị quét các mô chìm trong dung dịch điện phân để đo phản ứng điện hóa.
Một số loại phân tử và vật liệu nano tích tụ trong mô, trao đổi điện tử với chất trung gian điện hóa trong dung dịch và dòng điện hình thành được các nhà nghiên cứu sử dụng để tái tạo lại hình ảnh. Hình ảnh điện hóa cũng có thể theo dõi trạng thái oxy hóa khử của tế bào ung thư, hoàn toàn khác với tế bào bình thường. Từ đó có thể xác định số lượng lớn tế bào ung thư và vị trí của chúng.
Sử dụng vỏ chuối để nghiên cứu các giai đoạn của u ác tính
Các nhà khoa học đã nghiên cứu những dấu hiệu sinh học điển hình của u ác tính, cũng có thể tìm thấy trong các đốm đen của chuối chín. Khai thác điểm chung này, các tác giả đã nghiên cứu quả chuối để phát triển kỹ thuật hình ảnh có khả năng đo tyrosinase trong da người và lập bản đồ sự phân bố của nó. Bước tiến quan trọng này hiện đã được thực hiện để hướng tới việc áp dụng kỹ thuật hình ảnh cho các mô dày như sinh thiết da người bên cạnh việc cắt lát mỏng tế bào.
Hubert Girault, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật điện hóa để tiêu diệt các tế bào ung thư trên kính tiêu bản hiển vi và trong đĩa petri, nhưng làm như vậy với mô dày là vấn đề khác".
GS Girault hy vọng thiết bị có các vi điện cực kết nối với nhau có khả năng tạo ra hình ảnh để kiểm tra khối u và sau đó phá hủy bằng phương thức điện hóa bất cứ tế bào ung thư nào được tìm thấy bằng điện áp. Vì hiện nay điện áp cỡ khoảng 2V không đủ mạnh để tạo ra các gốc oxy và loại bỏ tế bào ung thư.
N.P.D-NASATI (Theo Phys)