Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta biến toàn bộ sa mạc Sahara thành rừng?
(Dân trí) - Để biến sa mạc Sahara thành rừng cần đến 2000 tỷ USD mỗi năm. Nếu điều này thành hiện thực, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ được “lật ngược” thế cờ. Tuy nhiên, mặt trái của nó đôi khi còn vượt xa những gì chúng ta có được!
Sahara hiện đang là sa mạc lớn nhất thế giới với diện tích lên đến 8,6 triệu kilomet vuông, để dễ hình dung thì Sahara tương tự như nước Mỹ đã loại bỏ đi cây xanh và bị bao phủ bởi các cồn cát dài bất tận.
Chính vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt mà hiện tại diện tích khổng lồ của Sahara đang bị bỏ phí, trong khi đó nhiều nơi trên thế giới lại thiếu mặt bằng trầm trọng. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều giải pháp tận dụng các tài nguyên sẵn có của sa mạc Sahara đã được đưa ra, trong đó có thể kể đến như việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời hay lắp đặt nhà kính để trồng trọt, điều mà Israel đã hiện thực hóa trên nhiều hoang mạc của mình.
Ở một tầm nhìn xa hơn và quy mô hơn, biết đâu trong tương lai chúng ta có thể phủ xanh hàng triệu kilomet vuông cát này và biến sa mạc Sahara thành một khu rừng nhiệt đới khổng lồ!
Ý tưởng trên nghe có vẻ bất khả thi, khi khí hậu ở sa mạc này quá khắc nghiệt cho sự phát triển của cây cối, nguồn nước thì lại ở rất xa và ít ỏi, đồng thời diện tích cần trồng cây và tưới tiêu lại quá lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển vũ bão của khoa học như hiện tại, siêu dự án này cũng không phải là vĩnh viễn không thực hiện được.
Vì vậy, chủ đề cần “mổ xẻ” trong bài viết này chính là “Làm sao để biến toàn bộ diện tích Sahara trở thành rừng nhiệt đới” và “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta hoàn thành được siêu dự án này?”
Làm sao để biến toàn bộ diện tích Sahara trở thành rừng nhiệt đới?
Nếu đã từng tìm hiểu về các dự án nông nghiệp được thực hiện ở khu vực vùng sâu vùng xa, với đất đai cằn cỗi và khí hậu khắc nghiệt, bạn sẽ có thể hình dung được phần nào kinh phí khổng lồ để “phủ xanh” sa mạc Sahara! Theo ước tính của các chuyên gia với những gì chúng ta có ở hiện tại, Dự án trồng rừng này sẽ tiêu tốn đến 2000 tỷ USD mỗi năm chỉ để vận hành.
Với lượng kinh phí dồi dào này, chúng ta có thể tiến hành trồng các loại cây lâu niên và rau màu trên khắp bề mặt Sahara. Vấn đề tưới tiêu sẽ được giải quyết bằng nguồn nước từ biển, được loại bỏ muối bằng công nghệ và vận chuyển đi toàn sa mạc thông qua mạng lưới ống dẫn khổng lồ. Để hạn chế hiện tượng bay hơi, các ống dẫn này được lắp đặt ngầm dưới mặt đất và cung cấp trực tiếp đến rễ cây thay vì tưới lên bề mặt.
Trên thực tế, Trung Quốc đã từng thành công trong một dự án tương tự, đương nhiên là với quy mô nhỏ hơn, đó là phủ xanh 1/3 sa mạc Kubuqi với 70 loại cây khác nhau trong thời gian hơn 30 năm.
Những lợi ích mang lại nếu sa mạc Sahara biến thành rừng
Như chúng ta đã biết trồng thêm cây xanh là một giải pháp hiệu quả mà các nước trên thế giới đang áp dụng, để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Theo tính toán, mỗi hecta cây xanh có thể hấp thụ lượng khí CO2 tương đương với lượng được thải ra khi lái một chiếc xe hơi đi quãng đường dài 100.000 km. Do đó, nếu có thêm một diện tích thảm thực vật khổng lồ lên đến hàng triệu hecta từ Sahara, chúng ta có thể loại bỏ thêm 7,6 tỷ tấn Cacbon trong bầu khí quyển mỗi năm. Đây thực sự là một bước ngoặt lớn, trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.
Chưa dừng lại ở đó, việc có thêm cây xanh sẽ tạo nên những thay đổi mạnh mẽ ở chính khu vực Sahara. Cụ thể, khi cây xanh đã đủ lớn với hệ rễ phát triển, cát ở Sahara sẽ được giữ cố đinh, đồng thời được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ mùn hữu cơ. Ngoài ra, dự án này cũng được cho là sẽ làm tăng lượng mưa ở sa mạc Sahara, cũng như làm giảm nhiệt độ ở nơi đây xuống 8 độ C.
Liệu siêu dự án này có mặt trái?
Trong một hệ sinh thái, bất kỳ một nhân tố nào thay đổi cũng ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ những nhân tố khác. Đó gọi là hiệu ứng Domino của môi trường.
Ở trường hợp của sa mạc Sahara, khi khí hậu của nơi đây trở nên ẩm ướt hơn do sự xuất hiện của rừng, vấn đề nghiêm trọng đầu tiên phát sinh có lẽ chính là đại dịch châu chấu. Nếu đang hoài nghi về vấn đề mà loài côn trùng nhỏ bé này gây ra, bạn cần biết rằng một đàn châu chấu trung bình có sức ăn mỗi ngày hơn khẩu phần của 2500 người, và vấn nạn đang được đề cập cập tới nằm ở quy mô lớn hơn hàng trăm, hàng ngàn lần. Đương nhiên, những đàn châu chấu khổng lồ này không chỉ càn quét cây cối, rau màu ở quanh khu vực Sahara hay châu Phi mà có thể lan rộng ra toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà con người và cả hành tinh phải đối mặt lại không phải là châu chấu! Sự thật là sa mạc Sahara lâu nay không hề vô dụng như nhiều người vẫn nghĩ. Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, sự trù phú của rừng rậm Amazon ở Nam Mỹ chính là nhờ vào những hạt cát giàu dinh dưỡng từ Sahara, được các dòng hải lưu và gió mang tới. Chính vì vậy, khi Sahara không còn là sa mạc nữa thì rừng Amazon có thể sẽ lại biến thành hoang mạc để thế chân Sahara trước đây. Ngoài ra, thông qua hiệu ứng Domino, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng gánh chịu những tác động từ sự thay đổi lớn này.
Minh Nhật
Theo What If