1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Diễn đàn Hà Nội 2018: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí chiều ngày 7/11, Ban tổ chức của Diễn đàn Hà Nội 2018 cho hay, diễn đàn được tạo ra để khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học – công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Việt Nam thể hiện trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu

Diễn đàn Hà Nội là một sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế. Từ ngày 8 đến ngày 10/11/2018, ĐHQGHN phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018.

Lần đầu được tổ chức, Ban tổ chức đã quyết định lựa chọn “Ứng phó với Biến đổi khí hậu”, nội dung thứ 13 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững làm trọng tâm thảo luận, với tên gọi: “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” (Towards Sustainable Development – Climate Change Response for Sustainability and Security).


Quang cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin về Diễn đàn Hà Nội 2018.

Quang cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin về Diễn đàn Hà Nội 2018.

Theo lãnh đạo của ĐHQGHN, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 vào năm 2015 là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng. 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được thông qua nhằm đảm bảo cho quá trình hội nhập và liên kết giữa các quốc gia, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và ngày mai.

Kể từ khi Chương trình được thông qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của hàng tỷ người dân. Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau.

Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế…. Thông qua hàng loạt các Kế hoạch hành động quốc gia (NAP), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)…, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

Không đánh đổi giải pháp để phá vỡ tính sống còn

Đồng hành cùng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, ĐHQGHN đã tích cực trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nghiên cứu, phục vụ quản lý và góp phần phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng và hội nhập.

Việc tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018 thể hiện vị thế của ĐHQGHN trên trường quốc tế, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham gia của gần 500 đại biểu là lãnh đạo/cựu lãnh đạo của các quốc gia, các chính khách, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, các học giả và nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Trong đó, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; Ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK (Hàn Quốc); Ông Youba Sokona, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.


GS.TS Mai Trọng Nhuận (giữa) trao đổi về những cảnh báo mới trong quá trình chống biến đổi khí hậu.

GS.TS Mai Trọng Nhuận (giữa) trao đổi về những cảnh báo mới trong quá trình chống biến đổi khí hậu.

Tại buổi họp báo chiều 7/11, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQGHN, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu thông tin thêm, chủ đề tập trung năm nay đó là “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” được xuất phát điểm hướng tới việc phát triển bền vững một cách toàn diện. Trong quá trình phát triển bền vững, hay phát triển nói chung thì chúng ta vẫn phải duy trì giá trị cốt lõi sống còn thì khả thi hơn.

“Trong cuộc chiến với chống biến đổi khí hậu thì nhiều lúc có những giải pháp để thực hiện nhưng lại không tính đến việc sự duy trì bền vững của một hệ thống nào đó, chỉ đạt được việc giảm nhẹ thiên tai nhưng không tính đến giá trị sống còn. Đây chính là một cảnh báo mới”, GS.TS Nhuận nhấn mạnh.

Trong khi đó Ban tổ chức cũng cho hay, diễn đàn có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng đến từ các đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi học thuật và chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với 05 mục tiêu cốt lõi bao gồm: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận về mô hình, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó biến đổi khí hậu; Hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với biến đổi khí hậu; Đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải các-bon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu; Tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế và khu vực.

Trong phiên toàn thể, dưới sự chủ trì của Chủ tịch KFAS Park In-kook, các đại biểu sẽ được nghe báo cáo tham luận từ các chính khách, nhà quản lý và các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam.

Nguyên thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), bà Helen Elizabeth Clark sẽ chia sẻ về giải pháp ứng phó với tị nạn khí hậu một cách nhân văn, hài hòa giữa giải pháp quốc tế và địa phương. Phó chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Youba Sokona sẽ trình bày báo cáo về sự kết nối và thống nhất trên toàn cầu, liên quốc gia về chiến lược giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, vai trò quan trọng của ứng phó biến đổi khí hậu với phát triển bền vững.

Liên quan đến khu vực Đông Nam Á, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen P. Groff sẽ trình bày báo cáo về các điểm nóng môi trường cũng như định hướng phát triển đô thị thông minh, cac-bon thấp, hạ tầng bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giáo sư Diana Ürge-Vorsatz từ ĐH Trung Âu, phó trưởng ban WGIII của IPCC sẽ chia sẻ tại Diễn đàn những thông điệp cốt lõi của báo cáo IPCC với kịch bản 1,5 độ C.

Về phía ĐHQGHN, GS.TS. Mai Trọng Nhuận sẽ trao đổi các vấn đề chính về ứng phó biến đổi khí hậu và các giải pháp liên quan tại Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nguyễn Hùng