Đến năm 2050, 139 quốc gia có được cung cấp năng lượng từ gió, mặt trời, nước ?
(Dân trí) - Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phác thảo ra những thay đổi trong cơ sở hạ tầng cần thiết để 139 quốc gia được cung cấp năng lượng 100% từ gió, nước và năng lượng mặt trời vào năm 2050.
Sự chuyển đổi này có nghĩa là chúng ta sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn trên phạm vi toàn cầu nhờ hiệu quả của điện sạch và tái tạo. Nó cũng giúp chúng ta tăng thêm hơn 24 triệu việc làm dài hạn, giảm thiểu được 4 đến 7 triệu người chết mỗi năm do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường và ổn định giá năng lượng, tiết kiệm hàng năm hơn 20 nghìn tỷ đô la về chi phí y tế và khí hậu.
“Cả cá nhân và nhà nước có thể tạo nên thay đổi này. Các nhà hoạch định chính sách thường không muốn cam kết làm điều gì đó nếu nó không có một vài nghiên cứu khoa học cho thấy nó có khả năng thành công, và đó chính là điều chúng tôi đang cố gắng để mang đến.” Mark Z.Jacob, giám đốc của chương trình Năng lượng và Khí hậu Đại học Stanford và đồng sáng lập của dự án Solutions cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Sẽ có những kịch bản khác. Chúng ta không nói rằng đây là kịch bản duy nhất để chúng ta có thể làm điều đó, nhưng có một kịch bản sẽ cho con người một hướng đi.”
Nghiên cứu, công bố tại Joule chỉ ra các nguồn năng lượng tái tạo thô có sẵn cho 139 quốc gia và số lượng máy phát điện gió, nước và năng lượng mặt trời cần thiết để cung cấp 100% nguồn năng lượng tái tạo cho các quốc gia này năm 2050.
Các nhà nghiên cứu đánh giá kiểm tra số điện, vận chuyển, sưởi ấm/làm lạnh, điện công nghiệp và nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh cá của từng quốc gia.
Nghiên cứu cho thấy rằng các quốc gia có tỷ lệ đất trên mỗi dân số lớn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu sẽ có thời gian dễ dàng nhất để chuyển sang dùng 100% năng lượng gió, nước và năng lượng mặt trời. Các quốc gia nhỏ hoặc những nước bao quanh bởi các đại dương và những nước đông dân như Singapore, sẽ gặp khó khăn hơn trong việc đạt được mục tiêu này.
"Điều khác biệt giữa nghiên cứu này và các nghiên cứu khác đã đưa ra các giải pháp là chúng ta đang cố gắng kiểm tra không chỉ các lợi ích về khí hậu của việc giảm lượng các-bon mà còn cả lợi ích về ô nhiễm không khí, lợi ích việc làm và lợi ích về chi phí" Ông Jacobson nói.
Quang Thiên (Theo UPI)