1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đẩy mạnh triển khai các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia

(Dân trí) - Ngày 19/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia”. Hội thảo được tổ chức với mục đích đẩy mạnh triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia trong giai đoạn tới

Thời gian qua, để tiếp tục phát huy vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ KH&CN đã sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành một số chương trình/đề án quốc gia về phát triển KH&CN. Đó là các chương trình: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020.


Quang cảnh hội thảo Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia”

Quang cảnh hội thảo "Giới thiệu và hướng dẫn tham gia các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia”

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH&CN, tập trung các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư “tới ngưỡng” để hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đối tượng tham gia các Chương trình nói trên hướng vào nhiều đối tượng. Cụ thể, là các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN có tiềm lực để hình thành doanh nghiệp KH&CN; các doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp có đăng ký hoạt động KH&CN và các tổ chức KH&CN.

Nội dung kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước tùy thuộc vào nội dung cụ thể trong từng Chương trình. Tuy nhiên, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí; tối đa 50% đối với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; tối đa đến 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu; thiết bị đo kiểm, phân tích trong quá trình sản xuất thử nghiệm và sản xuất lô số không của dây chuyền công nghệ; tối đa 100% chi phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án. Đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ hoạt động thương mại hoá sản phẩm và phát triển thị trường, hoạt động xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Để tham gia vào các Chương trình nói trên, các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN cần đáp ứng các điều kiện: Chủ nhiệm dự án có trình độ cử nhân trở lên; đơn vị chủ trì dự án có đăng ký hoạt động KH&CN; có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án; tính khả thi và tiềm năng thị trường của sản phẩm của dự án; có đề xuất đặt hàng của cơ quan cấp Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh.

Việc tham gia vào các Chương trình sẽ được thực hiện theo quy trình: đề xuất đặt hàng của Bộ ngành, UBND cấp tỉnh. Hội đồng tư vấn và các chuyên gia độc lập sẽ xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp và thẩm định kinh phí phê duyệt. Sau đó sẽ ký hợp đồng triển khai thực hiện.

Tại Hội thảo này, thông tin về một số Chương trình KH&CN quốc gia đang triển khai cũng được cung cấp và trao đổi. Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức KH&CN, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp,… cùng trao đổi, giải đáp vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia vào các Chương trình KH&CN quốc gia nói riêng cũng như các hoạt động KH&CN nói chung.

Nguyễn Hùng