Đài quan sát trên không của NASA gặp sự cố, chỉ "thọ" 12 giờ ngắn ngủi

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã buộc phải loại bỏ một khinh khí cầu siêu áp suất khổng lồ chỉ sau khoảng 12 giờ hoạt động, để nó rơi xuống Thái Bình Dương do gặp sự cố rò rỉ.

Vào lúc 20h02 giờ EDT ngày 13/5 (tức 7h02 sáng 14/5 theo giờ Việt Nam) tại sân bay Wānaka (New Zealand), NASA đã khởi động nhiệm vụ EUSO-2, phóng một quả khinh khí cầu siêu áp suất (SPB) chở theo Đài quan sát Không gian Vũ trụ Cực đoan 2.

Tuy nhiên chỉ chưa đầy 12 giờ kể từ thời điểm phóng, hệ thống bay SPB đã gặp sự cố rò rỉ, các kỹ sư của NASA không thể khắc phục buộc họ phải chấm dứt nhiệm vụ lần này.

Khinh khí cầu mang theo đài quan sát nặng 2 tấn đã rơi xuống khu vực Thái Bình Dương vào lúc 8h54 sáng giờ EDT ngày 14/5 (tức 19h54 cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Đài quan sát trên không của NASA gặp sự cố, chỉ thọ 12 giờ ngắn ngủi - 1

Khinh khí và đài quan sát EUSO-2 của NASA được phóng vào ngày 13/5, nó đã rơi xuống Thái Bình Dương 1 ngày sau đó (Ảnh: NASA).

Hệ thống bay SPB mang theo Đài quan sát Không gian Vũ trụ Cực đoan 2 (EUSO-2) có nhiệm vụ phát hiện các hạt vũ trụ năng lượng cực cao giữa các thiên hà, xuyên qua bầu khí quyển của Trái Đất. 

Nguồn gốc của những loại hạt này phần lớn vẫn chưa được giải đáp do các nhà thiên văn học không có những thiết bị hiện đại để phân tích và thu thập dữ liệu về chúng.

Thật không may, EUSO-2 được NASA thiết kế để giúp các khoa học hiểu rõ hơn những loại hạt này, lại có tuổi thọ ngắn ngủi.

"Đây là một sự cố đáng tiếc, các kỹ sư của NASA sẽ điều tra nguyên nhân giúp chúng tôi khắc phục và cải thiện công nghệ khinh khí cầu siêu áp suất trong tương lai", Giám đốc Chương trình Khí cầu Khoa học NASA, Debbie Fairbrother cho biết.

Nhiệm vụ EUSO-2 là lần phóng SPB thứ hai tại sân bay Wānaka của New Zealand, đây là một phần hợp tác giữa NASA và Chính phủ nước này trong lĩnh vực phát triển khinh khí cầu siêu áp suất.

Trước đó, vào ngày 15/4, tại sân bay Wānaka, NASA đã phóng một khinh khí cầu siêu áp suất khác chở theo kính viễn vọng SuperBIT và hiện thiết bị này vẫn đang hoạt động trong tầng bình lưu ở khoảng 30.500 mét so với mực nước biển.

Nhiệm vụ của SuperBIT là để đo lượng vật chất tối trong các cụm thiên hà.

Lợi ích mà những quả khinh khí cầu này chính là nó có thể mang theo các thiết bị nghiên cứu vũ trụ đến gần không gian hơn để hoạt động.

Điều này giúp NASA tiết kiệm về tài chính so với việc phóng các thiết bị này bằng tên lửa, ước tính có thể tốn tới vài nghìn đô la cho mỗi pound trọng tải. 

Trong khi, đài quan sát EUSO-2 nặng khoảng 2 tấn và sẽ rất tốn kém để đưa nó lên không gian từ tàu vũ trụ.

Mặt khác, trong trường hợp phải hủy bỏ nhiệm vụ đối với hệ thống SPB, trọng tải mà SPB mang theo hoạt động như một mỏ neo nhanh chóng kéo nó xuống đáy đại dương và tránh xa phần lớn sinh vật biển. 

Theo www.space.com