Đại dịch “tàn sát” nhiều người nhất lịch sử có thể sắp quay trở lại
(Dân trí) - Giáo sư Peter Frankopan đến từ Đại học Oxford (Anh quốc) vừa đưa ra lời cảnh báo có thể gây sốc khi cho rằng đại dịch “cái chết đen” và các bệnh cổ đại khác có thể được đánh thức trở lại bởi biến đổi khí hậu.
Lý giải cho quan điểm của mình, giáo sư Peter Frankopan cho biết sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu trên Trái Đất sẽ giải phóng các loại vi khuẩn hàng triệu năm tuổi vào hệ sinh thái toàn cầu trong một ngày không xa nếu tình hình biến đổi khí hậu tiếp tục phức tạp như hiện nay.
Nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng cao hơn khiến tan chảy lớp bằng vĩnh cửu đang lưu trữ các loại vi khuẩn triệu năm tuổi. Nếu điều đó xảy ra thì loài người sẽ thực sự lâm nguy vì các đại dịch toàn cầu mới sẽ xảy ra.
"Nếu chúng ta để các loại vi khuẩn cổ đại được thả trở lại vào hệ sinh thái của Trái Đất, phần lớn dân số toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi các bệnh không thể xử lý được. Đứng đầu trong số các bệnh như vậy là bệnh dịch hạch. Thời Trung cổ phần lớn nguyên nhân là do nhiệt độ toàn cầu tăng lên”, giáo sư Peter Frankopan nhận định.
Cảnh báo của giáo sư Frankopan xuất hiện trong bối cảnh một loạt các nghiên cứu gần đây được công bố về các tác hại của vấn đề nóng lên toàn cầu.
Cách đây ít lâu, một bài báo đăng trên tạp chí Nature đã có kết luận rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ gây ra sự gia tăng sạt lở đất và sóng thần lớn.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã công bố một nghiên cứu khác cho thấy rằng nhiệt độ toàn cầu đang gia tăng có thể dẫn đến 40.000 vụ tự tử ở Mỹ và Mexico vào năm 2050.
Đại dịch “cái chết đen” là một trong những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại được gây ra bởi sự lây lan của vi khuẩn có tên Yersinia pestis. Những người bị nhiễm vi khuẩn này sẽ có các triệu chứng như xuất hiện các hạch trên cổ, háng và nách, sốt, nôn mửa, khó thở, phát ban.
Trường hợp đầu tiên mắc bệnh vào khoảng 1338-1339 ở Kyrgyzstan và lây lan tại Châu Âu thông qua Trung Á và con đường tơ lụa, lan rộng sau đó tiếp tục lan tới Trung Đông.
Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra đó là do biến đổi khí hậu ở châu Á đã khiến cho loài gặm nhấm nhiễm bệnh dịch hạch di chuyển từ đồng cỏ khô đến các khu định cư mới của con người.
Những con bọ chét ký sinh trên các loài gặm nhấm nhiễm bệnh dịch hạch sau đó đã theo các tàu buôn đến châu Âu lây lan bệnh dịch hạch đến các đô thị. Ước tính có khoảng 75 đến 200 triệu người đã chết.
Trang Phạm (Theo The Sun)