Cuốn sách cuối cùng của Stephen Hawking: Không thể có Chúa trời trong vũ trụ!
(Dân trí) - Trong cuốn sách cuối cùng có tên “Những câu trả lời ngắn cho những câu hỏi lớn” được xuất bản hôm 16/10/2018, Giáo sư Hawking đều mở đầu cả 10 chương luận bằng cách đề cập đến câu hỏi cũ nhất và mang màu sắc tôn giáo nhất từ xưa đến nay, đó là “Chúa trời có thật hay không?”
Từ căn phòng làm việc của mình ở Trường đại học Cambridge, Stephen Hawking đưa tâm hồn lên tận sâu thẳm các hố đen vũ trụ, du hành qua các không gian bất tận và cuốn mình ngược trở lại hàng tỉ năm trước để chứng kiến nhịp đập đầu tiên của thời gian.
Ông quan sát sự khởi tạo với tư cách một nhà khoa học, và khi được hỏi về bí ẩn lớn nhất của tạo hóa rằng chúng ta tới từ đâu, để làm gì, chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không, ông cũng đã trả lời như một nhà khoa học, và câu trả lời của ông thường làm mếch lòng các nhà phê bình tôn giáo.
Câu trả lời của ông - được tập hợp từ nhiều thập kỉ trước cả khi ông được phỏng vấn, viết luận và giảng bài với sự trợ giúp của gia đình, đồng nghiệp – đã không gây ngạc nhiên đối với những độc giả đã theo dõi công việc của ông. Ông viết rằng “Tôi nghĩ dựa theo lí thuyết khoa học thì vũ trụ được sinh ra một cách tự nhiên chẳng vì lí do gì cả. Nếu bạn, cũng giống như tôi, chấp nhận rằng các qui luật tự nhiên là cố định thì chả mấy mà sẽ dẫn đến câu hỏi: vậy thì Chúa trời có vai trò gì?”
Trong cuộc sống, Hawking là đi dẫn đầu về thuyết Big Bang, một thuyết cho rằng vũ trụ bắt đầu bằng một vụ nổ bất ngờ của một điểm kì dị cực đặc và bé nhỏ hơn cả một nguyên tử. Từ hạt bụi này xuất hiện tất cả các vật chất, năng lượng và không gian trống rỗng mà vũ trụ chưa từng có, và tất cả những nguyên liệu thô đó tiến hóa thành các vũ trụ mà ngày nay chúng ta nhận thức được thông qua việc bám sát một tập hợp chặt chẽ các lí thuyết khoa học.
Đối với Hawking và nhiều nhà khoa học có cùng suy nghĩ, các lí thuyết kết hợp với nhau về trọng lực, tính tương đối, vật lý lượng tử và một số qui luật khác có thể giải thích được tất cả mọi thứ đã từng xảy ra hoặc sẽ xảy ra trong vũ trụ mà chúng ta biết. Ông viết rằng “nếu bạn thích, bạn có thể nói những lí thuyết này là công trình của Chúa trời, nhưng đấy giống như một định nghĩa về Chúa hơn là một minh chứng cho sự tồn tại của Người”.
Với một vũ trụ vận hành như một cỗ máy tự động điều khiển theo khoa học thì vai trò duy nhất của một vị thần tối cao có thể là đặt ra những điều kiện tiên quyết của vũ trụ để cho những lí thuyết này có thể hình thành, một đấng tạo hóa siêu phàm đã tạo ra vụ nổ Big Bang, sau đó lại bước lùi lại để ngắm nhìn công trình mình đã tạo ra.
“Chúa trời đã sáng tạo ra các lí thuyết lượng tử cho phép vụ nổ Big Bang xảy ra ư? Tôi không có ý định xúc phạm những người có đức tin, nhưng tôi nghĩ khoa học có một cách giải thích thuyết phục hơn là một đấng tạo hóa siêu phàm.” – ông viết.
Hawking bắt đầu các lí luận của mình bằng cơ học lượng tử, giải thích việc các hạt hạ nguyên tử hoạt động ra sao. Trong các nghiên cứu lượng tử, thông thường người ta coi các hạt hạ nguyên tử giống như các proton và electron không xuất hiện ở đâu cả, chúng quanh quẩn đâu đó trong một thời gian ngắn và sau đó lại biến mất ở một nơi nào đó khác hẳn. Bởi vì trước đây vũ trụ đã từng nhỏ bé cỡ một hạt hạ nguyên tử, cho nên có thể tin rằng vũ trụ cũng hoạt động tương tự trong thời gian xảy ra Big Bang giống như hạt hạ nguyên tử kia.
Theo ông, bản thân vũ trụ rộng lớn và phức tạp đến không ngờ vẫn có thể hoàn toàn đơn giản sinh ra không hề phá vỡ các qui luật của tự nhiên mà chúng ta đã biết. Tuy vậy, điều đó vẫn không giải thích triệt để khả năng Chúa trời đã tạo ra điểm dị biệt cỡ hạt proton kia, để rồi sau đó điểm dị biệt này gõ vào công tắc lượng tử - cơ học cho phép nó nổ bung ra.
Nhưng Hawking nói rằng khoa học cũng có thể giải thích được điều này. Để miêu tả cách giải thích, ông nêu ra đặc điểm vật lí của các hố đen – là những ngôi sao đã tắt và cực kì đậm đặc, và không có gì có thể thoát khỏi lực hút của nó, kể cả ánh sáng.
Các hố đen, giống như vũ trụ trước vụ nổ Big Bang, tập hợp lại thành một điểm dị biệt duy nhất. Trong điểm dị biệt gồm các khối bị nén cực chặt này, trọng lực vô cùng lớn đến mức nó làm biến dạng thời gian cũng như ánh sáng và không gian. Nói một cách đơn giản là sâu trong hố đen, thời gian không tồn tại.
Bởi vì vũ trụ cũng khởi đầu là một điểm dị biệt, cho nên chính thời gian cũng có thể không tồn tại trước vụ nổ Big Bang. Như vậy, câu trả lời của Hawking cho câu hỏi “điều gì đã xảy ra trước vụ nổ Big Bang”, là “không hề có thời gian trước Big Bang.”
Ông viết “Cuối cùng thì chúng ta cũng tìm ra một thứ mà không hề có nguyên nhân, bởi vì không có thời gian để cho nguyên nhân tồn tại. Đối với tôi, điều này có nghĩa là không có khả năng tồn tại một đấng sáng tạo nào cả, vì không có thời gian cho một đấng sáng tạo tồn tại.”
Lập luận này hầu như không thuyết phục được những người tin ở thuyết hữu thần, Hawking cũng không có ý định thuyết phục họ. Là một nhà khoa học với sự thành tâm gần như sùng bái việc tìm hiểu về vũ trụ, Hawking luôn tìm tòi để “hiểu được tinh thần của Chúa trời” thông qua việc học hỏi tất cả mọi thứ ông có thể học về vũ trụ độc lập mà chúng ta đang tồn tại.
Mặc dù theo quan điểm của ông về vũ trụ thì đấng tạo hóa siêu phàm và các qui luật tự nhiên không hề tương thích với nhau, nhưng quan điểm đó vẫn để lại một không gian thoáng rộng cho đức tin, hi vọng, băn khoăn và đặc biệt là lòng biết ơn. Ông kết luận cho chương thứ nhất trong cuốn sách của mình như sau “Chúng ta có một cuộc đời để ngưỡng mộ sáng tạo kì diệu của vũ trụ, và vì điều đó tôi thấy vô cùng biết ơn.”
Phạm Hường (Theo Live Science)