1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cuộc "thảm sát" động vật gây tranh cãi ở Úc

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Ảnh hưởng của biến đổi toàn cầu gây mất cân bằng sinh thái ở Úc, nguồn thức ăn cho loài kangaroo trở nên không đủ và các chuyên gia khuyến cáo nên loại bỏ chúng.

Cuộc thảm sát động vật gây tranh cãi ở Úc - 1

Những trận cháy rừng và hạn hán tại Úc khiến nguồn thức ăn cho loài kangaroo bị cạn kiệt, chúng đang phải đối mặt với nguy cơ chết đói (Ảnh: ABC News).

Vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi tại quốc gia này, việc giết hàng loạt những con kangaroo có thể tránh việc Úc phải chứng kiến chúng chết đói nhưng nó cũng đặt ra vấn đề đạo đức về quyền động vật.

Hành xử đối kangaroo - loài động vật được coi là biểu tượng của nước Úc đang là một bài toán sinh thái lớn của Chính phủ, khi giờ đây sự sống còn của chúng phụ thuộc phần lớn vào biến đổi khí hậu.

Kangaroo mất đi môi trường sống

Sự nóng lên toàn cầu đang "tàn phá" nước Úc, kể từ tháng 9/2019, hàng trăm đám cháy đã quét qua phần lớn nước này, phá hủy hơn 10 triệu ha đất, giết chết nhiều loài động - thực vật. 

Nền nhiệt độ ngày càng tăng cao và khí hậu thay đổi, gây mất cân bằng lớn trong hệ sinh thái và chuỗi thức ăn tại quốc gia này.

Nhiều loài động vật đang phải đối mặt với những điều kiện sống khắc nghiệt, vượt quá khả năng thích nghi của mình.

Điều này buộc chúng phải di cư sang các khu vực khác để có thể tồn tại, nhưng nó cũng tạo ra các hình thức cạnh tranh mới giữa các loài vật trong các hệ sinh thái.

Theo một nghiên cứu của Đại học Sydney vào năm 2020, chỉ riêng bang New South Wales có khoảng một tỷ động vật đã bị ảnh hưởng bởi các đám cháy rừng gây ra.

Hay vào năm 2018, một đợt nắng nóng cũng đã giết chết hơn 23.000 con dơi chỉ trong hai ngày.

Quốc gia này có gần 90% loài đặc hữu bao gồm động vật có vú, bò sát, cá, côn trùng, lưỡng cư.

Biến đổi khí hậu đang khiến các loài động vật không thể tìm nơi ẩn náu, mất đi môi trường sống, trong khi hệ thực vật mất nhiều năm để phục hồi, đang làm tăng nguy cơ các loài động vật sẽ biến mất tại Úc.

Trong đó, kangaroo là một loài dễ bị tổn thương, bị đe dọa nghiêm trọng bởi vấn đề này.

Thức ăn của chúng chủ yếu của chúng là nấm, các loài cây hay sâu bọ.

Nhưng những trận hạn hán kéo dài, cháy rừng tại nước Úc đang tàn phá nguồn thức ăn của chúng, trong khi lượng mưa đang không đủ để phục hồi thảm thực vật.

Nhà sinh thái học Katherine Moseby, Đại học New South Wales (Úc) chia sẻ với AFP: "Trong đợt hạn hán xảy ra vừa qua, chúng tôi ước tính rằng 80% đến 90% số lượng kangaroo đã chết ở một số khu vực nhất định.

"Nguyên nhân là loài vật này không có thức ăn, những con kangaroo phải ăn giấy trong các nhà vệ sinh công cộng và không khó thấy chúng nằm lả trên đường phố ở Úc vì đói".

Xung đột trong giải pháp

Nhiều ý kiến từ các nhà sinh thái học và các tổ chức về quyền động vật đã được đưa ra để giải cứu loài vật này: giết chúng để tránh việc nó chết đói hay để loài vật này tồn tại thuận theo tự nhiên vẫn đang là những ý kiến gây nhiều tranh cãi. 

Theo Moseby, việc giết những con kangaroo, đưa chúng đến các lò mổ và xưởng sản xuất đồ da là một việc làm nhân đạo để giúp loài vật thoát khỏi sự đau khổ tột cùng, đồng thời đây cũng là một biện pháp để kiểm soát số lượng cá thể.

Điều này tránh việc trong trường hợp đất nước tiếp tục xảy ra hạn hán, đặc biệt là sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng phức tạp thì chúng cũng sẽ không phải chết đói vì thiếu thức ăn.

Ngược lại, các tổ chức bảo vệ quyền động vật lên án việc giết mổ thương mại kangaroo, gọi nó là một "cuộc thảm sát tàn nhẫn".

Những cơ quan này đang gây áp lực lên các thương hiệu quần áo thể thao lớn trên toàn cầu như Nike và Puma, buộc họ ngừng sử dụng da kangaroo trong các sản phẩm của mình.

Phát ngôn viên của Nike cho biết vào hồi tháng 3 vừa qua: "Công ty đã dừng hợp tác với nhà cung cấp da kangaroo duy nhất của mình vào năm 2021 và sẽ ngừng sản xuất bất kỳ sản phẩm nào bằng da kangaroo vào năm 2023".

Các chính trị gia ở bang Oregon của Mỹ cũng đã trình một dự luật vào đầu năm 2023 liên quan đến việc cấm sử dụng bất kỳ bộ phận nào của một con kangaroo đã chết.

Bế tắc

George Wilson, nhà nghiên cứu về quản lý kangaroo tại Úc lại có quan điểm khác, ông cho biết những nỗ lực chấm dứt việc giết mổ kangaroo có mục đích tốt nhưng cuối cùng nó vẫn là sai lầm. 

"Họ nói việc đó là phi đạo đức, nhưng để những con kangaroo chết đói cũng là phi đạo đức và điều tàn nhẫn nhất là chúng ta không làm gì cả", ông nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Moseby giải thích: "Việc ngừng tiêu diệt kangaroo thực sự sẽ tàn nhẫn hơn về lâu dài. Cố gắng ngăn chặn việc lấy da hoặc thịt của chúng sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào. Điều đó thậm chí sẽ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn".

Kangaroo là loài vật được Chính phủ Úc bảo vệ, nhưng chúng không có nguy cơ tuyệt chủng.

Điều đó có nghĩa là những con vật này có thể bị săn bắt trên hầu hết lãnh thổ Úc cho mục đích thương mại tùy vào sự cho phép của đất nước.

Mỗi năm, có tới 5 triệu con kangaroo bị giết để lấy thịt hoặc da sống. 

Theo chuyên gia Dennis King, Hiệp hội Công nghiệp Kangaroo của Úc, quốc gia này đang trên đỉnh bùng nổ quần thể động vật mới.

Trước đó, số lượng cá thể kangaroo ở Úc đã giảm xuống dưới 30 triệu con do ảnh hưởng đợt hạn hán khủng khiếp vào đầu những năm 2000, và nó đã nhanh chóng hồi phục và có thể sớm vượt quá 60 triệu cá thể.

Nhưng giờ đây, những con kangaroo đang phải đối mặt với cái chết do nguồn thức ăn cạn kiệt.

Làm thế nào để bảo tồn hệ động - thực vật ở Úc, trong khi biến đổi khí hậu đang ngày càng tàn phá môi trường, hệ sinh thái hay giải pháp nào để có thể giải cứu những con kangaroo đang chết đi vì đói vẫn đang là những bế tắc tại quốc gia Châu Đại Dương này.

Theo www.geo.fr