1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cùng nhìn lại những phát kiến khoa học ấn tượng nhất năm 2017 vừa qua (P2)

(Dân trí) - Trong năm 2017, lĩnh vực khoa học công nghệ trên toàn thế giới đã đạt được rất nhiều thành tựu lớn. Cùng khám phá tiếp những phát kiến khoa học ấn tượng nhất trong năm vừa qua.

Cùng nhìn lại những phát kiến khoa học ấn tượng nhất năm 2017 vừa qua (P2) - 1

Việc máy tính có thể đánh bại con người trong môn cờ vua có lẽ là điều đã không còn quá mới mẻ. Trên thực tế, năm 1997, Deep Blue- một máy tính đánh cờ đã chính thức hạ gục vua cờ Gary Kasperov. Tuy nhiên, phải mãi đến tận năm 2017, “máy móc” mới có thể đánh bại con người để trở thành kẻ thống trị trong thế giới cờ vây.

Được biết, so với cờ vua, cờ vây là môn thể thao phức tạp và khó lập trình cho máy móc hơn rất nhiều. Dẫu vậy, vào tháng 5 năm ngoái, “kỳ thủ máy” có tên AlphaGo của Google đã đánh bại hoàn toàn quán quân cờ vây người Hàn Quốc Ke Jie với tỷ số 3-0. Chiến thắng này của AlphaGo đã trở thành một sự kiến chấn động làng công nghệ thế giới trong năm vừa qua. Đồng thời, đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho khả năng vô hạn của trí tuệ nhân tạo.

Cùng nhìn lại những phát kiến khoa học ấn tượng nhất năm 2017 vừa qua (P2) - 2

Nọc độc của loài nhện giờ đây không chỉ mang đến nỗi sợ mà đã trở thành “cứu tinh” của các bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới. Cụ thể, một nghiên cứu được tiến hành trong năm 2017, sau khi phân tích nọc độc của loài nhện mạng phễu Úc (một trong những sinh vật độc nhất thế giới), đã phát hiện ra một hợp chất đặc biệt có sự tương đồng về cấu trúc phân tử với thuốc chống đột quỵ.

Sau khi tách chiết hợp chất này và sử dụng trên loài chuột, nó đã cho thấy khả năng bảo vệ đến 85% tế bào não khỏi cơn đột quỵ. Thậm chí, hoạt chất trên còn tỏ ra ưu việt hơn các loại thuốc hiện nay, khi có thể duy trì hiệu quả bảo vệ của mình suốt 8 giờ sau khi cơn đột quỵ xảy ra. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở các thí nghiệm trên loài chuột, nhưng tin chắc rằng, tương lai chúng ta có thể biến nọc độc của loài nhện trở thành “siêu thuốc” chống đột quỵ cho con người sẽ không còn xa.

Cùng nhìn lại những phát kiến khoa học ấn tượng nhất năm 2017 vừa qua (P2) - 3

Hóa trị và xạ trị hiện đang là phương pháp chữa ung thư hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiêu diệt tế bào ung thư, phương pháp này cũng gây ra tổn thương không nhỏ đến các tế bào khỏe mạnh khác, đặc biệt là tế bào thành ruột và nang tóc. Do đó, việc tìm kiếm một phương pháp khác an toàn hơn để chữa trị căn bệnh nan y này luôn là nhiệm vụ cấp thiết của ngành y học thế giới.

Năm 2017 vừa qua, các nhà khoa học đã tìm ra một con đường mới để tiêu diệt tế bào ung thư, đó là sử dụng …tinh trùng của con người. Theo đó, nhờ vào khả năng di chuyển linh động và không bị tấn công bởi hệ miễn dịch của cơ thể, các tinh trùng của nam giới có tiềm năng vô cùng lớn để chữa trị ung thư. Trong các thí nghiệm bước đầu, một lượng tinh trùng đã được bọc bằng lớp hóa chất chữa ung thư. Đồng thời, mỗi tinh binh sẽ được gắn thêm chiếc mũ sắt siêu nhỏ ở đầu.

“Đội quân” này sau đó được dẫn đường đến khối u bằng một chiếc nam châm. Kết quả của thí nghiệm đã cho thấy một tín hiệu cực kỳ lạc quan, khi có đến 90% tế bào ung thư đã bị tiêu diệt và tác dụng phụ gây ra với cơ thể là không đáng kể. Dự đoán rằng trong vài năm tới, phương pháp chữa trị ung thư bằng tinh trùng sẽ được hoàn thiện và đưa con người đến gần hơn với việc “giải quyết” căn bệnh vẫn được coi là vô phương cứu chữa này.

Thảo Vy

Theo The Richest