Covid-19 có thể đẩy 150 triệu người rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho biết sự suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu.
Trong một báo cáo xuất bản trên tạp chí Science, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) đã đưa ra các nhận định, phân tích chi tiết về nhiều cách mà đại dịch toàn cầu đang phá hoại an ninh lương thực toàn cầu.
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc các do đại dịch Covid-19 bùng phát không kiểm soát đã phá vỡ thị trường lao động, đe dọa chuỗi cung ứng thực phẩm và sự ổn định của thị trường nông sản và thực phẩm.
Tình trạng thiếu hụt lao động ảnh hưởng đến cả cung cầu. Không có đủ công nhân, trang trại, nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối không thể phát triển, thu hoạch và có được thực phẩm ở nơi cần đến. Khi mọi người không có việc làm, họ thường không có đủ nguồn lực để mua đủ thực phẩm tốt để nuôi sống bản thân, gia đình.
"Tác động quan trọng nhất của đại dịch đối với an ninh lương thực là thông qua việc giảm thu nhập khiến nguy cơ tiếp cận thực phẩm gặp rủi ro. Điều này đặc biệt là mối quan tâm đối với người cực nghèo, những người chi tiêu trung bình khoảng 70% tổng thu nhập của họ cho thực phẩm”, đồng tác giả nghiên cứu Johan Swinnen, tổng giám đốc IFPRI, cho biết.
Cho đến nay, nền kinh tế toàn cầu đã giảm 5%, mức giảm mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các mô hình được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại IFPRI cho thấy một cuộc suy thoái khá lớn như vậy có khả năng đẩy 150 triệu người vào tình trạng cực kỳ nghèo đói, chủ yếu ở khu vực châu Phi hạ Sahara và Nam Á.
"Sự gián đoạn trong hệ thống thực phẩm góp phần làm tăng tình trạng nghèo đói bằng cách ảnh hưởng đến một nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều người nghèo trên thế giới, vừa làm trầm trọng thêm các tác động của nghèo đói bằng cách giảm tiếp cận với thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm bổ dưỡng", Swinnen nói.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề giảm thu nhập có tác động mạnh nhất đến nhu cầu đối với trái cây, rau, các sản phẩm động vật như thịt và sữa. Các tác giả nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những khó khăn kinh tế có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, khiến các cộng đồng vốn dễ bị tổn thương thậm chí còn dễ mắc bệnh hơn.
Các loại cây trồng chủ lực như lúa mì, ngô, đậu nành có nhiều khả năng được trồng ở các nước giàu hơn vì sản xuất của chúng thường được cơ giới hóa, nên chúng ít bị phá vỡ hơn. Trái cây, rau quả đòi hỏi nhiều lao động hơn và được trồng ở các nước nghèo hơn đã phải chịu mức độ gián đoạn lớn trong đại dịch.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị chính phủ các quốc gia có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề an ninh lương thực bằng cách miễn trừ một số hoạt động nông nghiệp và công nhân khỏi các vấn đề cách ly.
Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách nên tránh các hạn chế xuất khẩu và làm việc để đảm bảo thương mại quốc tế tiếp tục không bị ảnh hưởng. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị các nước giàu hơn nên làm nhiều hơn để giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn.
"Với những thách thức tài khóa phải đối mặt với các nước thu nhập thấp và trung bình, chịu tác động lan tỏa quốc tế mạnh mẽ của hậu quả kinh tế của Covid-19, điều quan trọng là các nước thu nhập cao và các tổ chức quốc tế đóng góp nhiều nhất có thể hỗ trợ các phản ứng của các nước nghèo về nhu cầu tài chính", các nhà nghiên cứu nhấn mạnh.