Công viên kỷ Jura ngoài đời thực: Phát hiện thấy một con bọ ve có máu khủng long

(Dân trí) - Các nhà khoa học có thể sẽ phát hiện được công viên kỷ Jura thật sự sau khi tìm thấy một mảnh hổ phách hóa thạch với một con bọ ve có mang một giọt máu khủng long trong bụng.

Công viên kỷ Jura ngoài đời thực: Phát hiện thấy một con bọ ve có máu khủng long - 1

Trong một khám phá tương tự như cảnh mở đầu của bộ phim Công viên kỷ Jura, các chuyên gia đã tìm thấy một con ký sinh trùng hút máu bị mắc kẹt trong hổ phách.

Con côn trùng này là một loài bọ ve mới được phát hiện, được đặt tên là Deinocroton draculi với biệt danh là “con bọ ve đáng sợ của quỷ Dracula”, con vật này đã hút máu khủng long 100 triệu năm trước.

Miếng hổ phách mà con bọ này bị mắc kẹt lại đã được tìm thấy trong một cái cây, bên trong đó còn có một mảnh lông vũ nhỏ - thuộc về một loài khủng long đã tiến hóa thành chim hiện đại.

Các chuyên gia của trường Đại học Oxford gọi đây là “bằng chứng hóa thạch trực tiếp đầu tiên về các loài ký sinh trùng ký sinh trên khủng long”.


Con bọ ve nằm trong miếng hổ phách.

Con bọ ve nằm trong miếng hổ phách.

Tiến sĩ Ricardo Peres-de la Fuente – một chuyên gia cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của trường Đại học Oxford, đồng thời cũng là một trong các tác giả của nghiên cứu về con ký sinh trùng này chia sẻ: “các ghi chép về hóa thạch nói cho chúng ta biết rằng những mảnh lông vũ này giống với lông vũ mà chúng ta từng nghiên cứu ở rất nhiều loài khủng long theropod”.

Theo ông, “mặc dù vẫn chưa thể khẳng định loài khủng long mà con bọ này ký sinh, nhưng mảnh hổ phách thuộc về kỷ Phấn Trắng được tìm thấy ở Myanma này cho thấy mảnh lông vũ trong đó chắc chắn không phải của một loài chim hiện đại”.


Con bọ này đã hút máu khủng long từ 100 triệu năm trước.

Con bọ này đã hút máu khủng long từ 100 triệu năm trước.

Tuy nhiên, rất có thể các nhà khoa học sẽ không thể biết được giọt máu đó đến từ loài khủng long nào.

Phát hiện này cũng không có khả năng dẫn đến sự xuất hiện của một công viên kiểu như công viên kỷ Jura - nơi những con quái vật cổ đại vẫn tự do dạo bước khắp nơi, vì các nhà khoa học vẫn chưa thể lấy được ADN từ mẫu được bảo quản trong miếng hổ phách này.

Nhà nghiên cứu Xavier Delclos đến từ trường Đại học Barcelona cho biết: “việc đánh giá thành phần của bữa ăn máu me bên trong con bọ căng máu này là không khả thi, thật không may là con bọ này không hoàn toàn bị chìm bên trong nhựa cây, nên các thành phần bên trong có thể bị thay đổi”.

Anh Thư (Theo Express)