Công bố kết quả thử nghiệm ban đầu của vắc-xin tiềm năng ngừa coronavirus

(Dân trí) - Các nhà khoa học của Đại học Pittsburgh vừa chính thức công bố những kết quả thử nghiệm ban đầu của một loại vắc-xin tiềm năng chống lại SARS-CoV-2.

Công bố kết quả thử nghiệm ban đầu của vắc-xin tiềm năng ngừa coronavirus - 1

Trong công trình được đăng tải trên tạp chí EBioMedicine, các nhà khoa học cho biết đã vận dụng kinh nghiệm chống virus SARS và MERS để nghiên cứu loại vắc-xin này.

"Cả hai mầm bệnh này đều là họ hàng gần của SARS-CoV-2, và khi nghiên cứu chúng thấy rằng một trong những protein màng tế bào của chúng, S-protein, rất quan trọng đối với sự hình thành phản ứng miễn dịch. Có thể nói rằng chúng tôi đã biết trước cách chống lại chủng virus mới", Phó giáo sư Andrea Gambotto, Đại học Pittsburgh, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.

Trong các thí nghiệm với chuột ở phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được rằng loại vắc-xin tiềm năng khi được đưa vào cơ thể có khả năng hình thành các kháng thể đặc thù đối với SARS-CoV-2, đủ để vô hiệu hóa virus.

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng một phương pháp mới để cung cấp thuốc, được gọi là mảng microneedle, để tăng hiệu quả của thuốc. Mảng này là một miếng vá có kích thước bằng đầu ngón tay gồm 400 kim nhỏ cung cấp các mảnh protein tăng đột biến vào da, nơi phản ứng miễn dịch mạnh nhất.

Khi được thử nghiệm trên chuột, vắc-xin tiềm năng này đã tạo ra sự tăng vọt của kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong vòng hai tuần sau khi chích microneedle.

So với ứng cử viên vắc-xin mRNA đang được Mỹ cho phép thử nghiệm lâm sàng thì vắc-xin được mô tả trong bài báo này - mà các tác giả đang gọi là PittCoVacc, viết tắt của Pittsburgh Coronavirus Vaccine - theo cách tiếp cận được thiết lập hơn, sử dụng các protein do phòng thí nghiệm tạo ra để miễn dịch. Nó giống như cách mà các mũi tiêm phòng cúm hiện tại hoạt động.

Các nhà khoa học hiện đang hy vọng được cấp phép thực hiện các thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin trên người tình nguyện. 

Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố sự bùng phát coronavirus lan truyền từ Trung Quốc là đại dịch. Theo dữ liệu mới nhất, có trên 1 triệu trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận trên toàn thế giới, hơn 50 nghìn người đã chết.

M.P 

Theo Sputnik/UPMC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm