Có thể hồi sinh khủng long từ DNA không?

Phạm Hường

(Dân trí) - Trong phim "Công viên khủng long", các nhà khoa học đã dùng DNA để tái sinh hàng chục con khủng long. Ngày nay, họ có thực sự làm được điều đó không?

Có thể hồi sinh khủng long từ DNA không? - 1
Một số điều cơ bản về DNA

DNA là viết tắt của deoxyribonucleic acid, là phân tử mang thông tin di truyền của các sinh vật. Nó có trong mọi tế bào của mọi sinh vật từng sống trên Trái Đất, trong đó có khủng long. Chúng ta có thể coi DNA như các phân tử mang mã di truyền, một bộ hướng dẫn giúp cơ thể và trí óc phát triển.

DNA của mỗi người khác nhau. Nó quyết định nhiều đặc điểm xác định nên một con người, chẳng hạn như mắt màu gì, tóc thẳng hay xoăn. DNA dễ được tìm thấy hơn trong các "bộ phận mềm" của động vật, như là các cơ quan nội tạng, mạch máu, dây thần kinh, cơ và mỡ.

Nhưng những phần mềm của khủng long đã biến mất từ lâu. Chúng bị phân hủy hoặc bị một con khủng long khác ăn thịt.

Có thể hồi sinh khủng long từ DNA không? - 2
Lôi long (Brachiosaurus), một loài thú ăn cỏ sống vào Kỷ Jura. Trên nền trời là một đàn dực long (Pterosaurus) (ẢnhGetty Images).

DNA có trong hóa thạch không?

Hóa thạch khủng long là tất cả những gì của loài vật này còn sót lại. Bị chôn vùi hàng chục triệu năm trong bùn, khoáng chất và nước, hóa thạch khủng long là dấu vết còn lại của những bộ phận cứng trong cơ thể chúng, đó là xương, răng và hộp sọ.

Chúng ta tìm thấy hóa thạch khủng long trong lòng đất, dưới lòng sông hồ và trên các vách đá núi. Đôi khi một số người tìm thấy hóa thạch khủng long trong chính sân vườn nhà mình. Thông thường những hóa thạch này thường nằm trong đá trầm tích và không quá sâu dưới lòng đất.

Nếu có đủ hóa thạch, các nhà khoa học có thể tái dựng một bộ xương khủng long như bạn thấy trong bảo tàng.

Có thể hồi sinh khủng long từ DNA không? - 3
Hóa thạch của một con áp long, loài khủng long sống vào Kỷ Phấn trắng được tìm thấy ở Bắc Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Các nhà khoa học vấp phải một vấn đề khi cố gắng tìm kiếm DNA trong hóa thạch khủng long.

Sớm muộn gì thì cuối cùng các phân tử DNA cũng phân hủy. Nghiên cứu gần đây cho thấy DNA phân hủy hoàn toàn sau khoảng 7 triệu năm, mà loài khủng long cuối cùng đã tuyệt chủng vào cuối Kỷ Phấn trắng, tức là cách đây hơn 65 triệu năm.

Ngày nay, khi tìm được bất kỳ hóa thạch khủng long nào thì DNA trong đó cũng đã tan rã từ lâu. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, các nhà khoa học cũng không thể tạo ra một con khủng long từ DNA của nó.

Mặc dù đã quá muộn để có thể lấy được DNA khủng long, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy một thứ khác khá thú vị. Họ phát hiện ra các mảnh DNA trong hóa thạch của người Neanderthal và các động vật có vú cổ đại khác như là voi ma mút lông xoăn. Các mảnh DNA này chưa đầy 2 triệu năm tuổi, tức là chưa bị phân hủy hết.

Hãy tưởng tượng rằng bằng một cách nào đó, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, các nhà khoa học tìm ra những mảnh DNA của khủng long. Chỉ với những mảnh này, họ vẫn không thể tạo ra một con khủng long hoàn chỉnh. Vì thế, họ dùng thêm một số mảnh DNA của động vật thời nay để tạo ra một sinh vật sống.

Tuy nhiên, sinh vật đó không thể được gọi là khủng long thực sự mà nó sẽ là một loài lai giữa khủng long với một loài chim hay bò sát. Liệu đó có phải là một ý tưởng tốt? Chính các nhà khoa học trong phim "Công viên Jura" đã thử làm điều đó, và bạn đã biết kết cục khi xem bộ phim này.

Theo theconversation.com