1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cơ hội hiếm có trong đời để quan sát "sao chổi quỷ" từ Việt Nam

T.Thủy

(Dân trí) - Sao chổi quỷ, một trong những ngôi sao chổi sáng nhất từng được ghi nhận, sắp di chuyển gần Trái Đất và có thể quan sát bằng mắt thường. Đây là cơ hội quan sát gần như là duy nhất trong đời mỗi người.

"Sao chổi quỷ" là biệt danh của ngôi sao chổi có tên chính thức 12P/Pons-Brooks. Sở dĩ ngôi sao này có biệt danh "sao chổi quỷ" vì hình thù đặc biệt của nó mỗi khi di chuyển gần Mặt Trời.

"Sao chổi quỷ" có quỹ đạo hình elip quay quanh Mặt Trời, với chu kỳ quỹ đạo của nó là 71,3 năm, nghĩa là mất 71,3 năm để hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời.

Theo NASA" 12P/Pons-Brooks là tàn tích đóng băng từ quá trình hình thành hệ Mặt Trời, được tạo thành từ bụi, đá và băng. Khi ngôi sao chổi này di chuyển gần Mặt Trời, nó sẽ bị nung nóng khiến lớp vỏ băng bị tan chảy và phun trào, tương tự như một núi lửa băng.

"Sao chổi quỷ" chỉ bay gần Trái Đất sau hơn 70 năm, do vậy mỗi người dường như chỉ có một cơ hội duy nhất để quan sát ngôi sao chổi này (Ảnh: Twitter).

Những vụ phun trào này tạo ra một màn sương mù xung quanh sao chổi, kết hợp với ánh sáng mặt trời phản chiếu khiến ngôi sao chổi này giống như có 2 chiếc sừng của quỷ, đó chính là lý do 12P/Pons-Brooks được đặt cho biệt danh "sao chổi quỷ".

"Sao chổi quỷ" lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1812 bởi nhà thiên văn học người Pháp Jean-Louis Pons, nhưng các quan sát không đầy đủ khiến ông không thể xác định được quỹ đạo của ngôi sao chổi này.

Phải đến hơn 71 năm sau, nhà thiên văn học người Anh William Brooks mới quan sát thấy ngôi sao chổi này xuất hiện một lần nữa vào năm 1883, đến thời điểm này, quỹ đạo của ngôi sao chổi mới được xác định xoay quanh Mặt Trời trong 71,3 năm.

Đó chính là lý do cơ hội để có thể quan sát "sao chổi quỷ" dường như chỉ đến một lần duy nhất trong đời mỗi người. Cơ hội này sẽ lại đến vào tháng 4 năm nay.

Theo đó, ngôi sao chổi này sẽ đến điểm gần Mặt Trời nhất vào ngày 21/4, lần đầu tiên kể từ năm 1953. Vào thời điểm này, "sao chổi quỷ" sẽ ở cách Mặt Trời khoảng 67 triệu ki-lô-mét.

Ngôi sao chổi này phát ra ánh sáng màu xanh lục và là một trong những sao chổi sáng nhất từng được con người ghi nhận. Khi đến gần Trái Đất, nó có thể được quan sát bằng mắt thường.

"Một trong những ngôi sao chổi sáng nhất được biết đến đang trên đường bay về phía Mặt Trời và nó có thể quan sát bằng mắt thường từ Trái Đất, dĩ nhiên nếu như bạn đủ may mắn", tiến sĩ Paul Strom, nhà vật lý thiên văn học của Đại học Warwick, Anh, chia sẻ.

"Sao chổi sẽ di chuyển từ chòm sao Tiên Nữ đến Song Ngư. Khi di chuyển, nó đi ngang qua các ngôi sao sáng giúp việc quan sát được dễ dàng hơn vào những ngày nhất định", tiến sĩ Paul Strom cho biết thêm.

Tại Việt Nam có thể quan sát thấy "sao chổi quỷ" hay không?

"Sao chổi quỷ" có đường kính hạt nhân ước tính khoảng 30km. Hạt nhân sao chổi là phần rắn, trung tâm của sao chổi, bao gồm đá, bụi và khí đông lạnh. Kích thước hạt nhân của "sao chổi quỷ" còn lớn hơn đỉnh núi Everest, nhưng các nhà khoa học khẳng định rằng ngôi sao này sẽ không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho Trái Đất.

Dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25/4 là thời điểm ngôi sao chổi này ở khoảng cách gần Trái Đất nhất (khoảng 63 triệu ki-lô-mét). Những người sống ở Việt Nam vẫn có cơ hội để quan sát ngôi sao chổi này, nhưng với điều kiện bầu trời quang đãng và không có tình trạng ô nhiễm ánh sáng.

Dù ngôi sao chổi này đủ sáng để có thể quan sát bằng mắt thường, các nhà thiên văn học vẫn khuyên mọi người nên sử dụng ốm nhòm hoặc kính thiên văn để quan sát nó được rõ hơn, đồng thời nên sử dụng các ứng dụng về bản đồ thiên văn học để biết chính xác hơn về hướng quan sát "sao chổi quỷ".

Theo UL/NPR