Cơ hội để phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam
(Dân trí) - Theo các nghiên cứu gần đây, thị trường thiết bị y tế ở Việt Nam tăng trưởng kép khoảng 8% ở giai đoạn năm 2014-2019. Dự kiến thị trường cho thiết bị y tế đạt 1,1 tỷ đô là vào năm 2019. Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là các sản phẩm nhập khẩu chiếm trên 92% thị trường y tế nói trên.
Thực trạng đáng buồn
Theo PGS.TS Mai Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các thiết bị y tế chỉ là một phần nhỏ trong hệ thống các sản phẩm được thừa hưởng từ kỹ thuật y sinh. Giả sử, mỗi năm sản phẩm từ kỹ thuật y sinh nội địa hoá được khoảng 5% kể từ 2017, thì tới 2019, chúng ta đã có thể chiếm được 15% của thị trường 1,1 tỉ đô la tương đương khoảng 165 triệu đô la đóng góp vào nền kinh tế đất nước. Ngoài việc chủ động tạo ra các sản phẩm nội địa, từng bước làm chủ công nghệ nguồn, tạo ra công ăn việc làm, các sản phẩm từ kỹ thuật y sinh được sản xuất tại Việt Nam chắc chắn có giá thành rẻ hơn và điều này sẽ là cơ hội cho nhiều bệnh nhân Việt được tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến.
Thị trường thiết bị y tế phản ánh thực chất nhu cầu của xã hội. Không chỉ riêng nhu cầu về thiết bị y tế, chẩn đoán mà cả những thiết bị phụ trợ cho quá trình chẩn đoán, hóa chất và thiết bị tiêu hao cũng ngày càng tăng nhất là các bệnh có tốc độ chóng mặt gần đây như bệnh ung bướu, tim mạch. Chỉ trong thập kỷ vừa qua, nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ung bướu đã được xây mới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Riêng bệnh viện K đã mở thêm hai cơ sở với khoảng 1.540 giường bệnh.
Theo báo cáo của bệnh viện K trung ương tại khóa họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Hoa Kỳ (JCM 9) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh tháng 12/2015, Việt Nam hiện đang đứng thứ 12 về tỉ lệ mắc mới (2,6/100.000) và tử vong (1/100.000) về các bệnh ung bướu. Số bệnh nhân tới khám bệnh là hơn 230.000 người vào năm 2014 trong khi đó số người tham gia điều trị chỉ đạt khoảng gần 43.000 người chiếm chưa tới 25% tổng số người mắc bệnh.
Báo cáo cũng cho hay, khi điều tra tại Phú Thọ trong vòng 5 năm, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư chỉ là 3%. Có thể thấy rõ tình trạng người dân thiếu thông tin về các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ liên quan tới bảo hiểm y tế dẫn tới số tới khám bệnh và điều trị không như kỳ vọng. Thêm vào đó, chi phí khám chữa bệnh cũng là một rào cản.
Trong bối cảnh này, các nhà khoa học, công ty cần có tiếng nói chung để tạo ra những sản phẩm tại nội địa phục vụ nhu cầu của người bệnh. Rõ ràng, đội ngũ chuyên gia trong nước và nước ngoài đủ sức để tạo ra những công nghệ có khả năng hiện thực hóa và thương mại tại Việt Nam khi có sự vào cuộc của doanh nghiệp. Cũng cần nói thêm rằng chúng ta không thể cứ đợi hội đủ mọi chính sách thuận lợi ra đời rồi mới thực hiện những dự án mà lẽ ra đã có thể làm ngay từ lúc này.
Cơ hội “cất cánh” của Kỹ thuật Y sinh
Vừa qua, Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về “Phát triển Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam” (BME6) đã được tổ chức thành công tại Trường ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh.
Tổ chức lần thứ 6 trong vòng 14 năm, hội nghị đã thu hút được 417 tác giả và đồng tác giả trong đó có 235 tác giả chính với hơn 100 báo cáo khoa học từ 21 nước như Úc, Canada, Phần lan, Pháp, Đức, Ý, Vương quốc Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hồng Kông, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Na uy, Bồ Đào Nha, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và nước chủ nhà Việt Nam. Hội nghị bao hàm tất cả những chủ đề công nghệ tiên tiến trên thế giới về kỹ thuật y sinh đang được ứng dụng tại các nước trên thế giới qua đó tìm hiểu những công nghệ nào có thể áp dụng tại Việt Nam.
Ngoài các báo cáo khoa học, có nhiều tập đoàn, nhà máy, các công ty khởi nghiệp cũng đến tham gia cùng với BME. Đặc biệt trong khuôn khổ hội nghị, đã có lễ ký kết văn bản ghi nghớ giữa Đại học Quốc tế (IU) với tập đoàn VNPT về nghiên cứu, thiết kế, và phát triển các thiết bị y tế trong tương lai. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học và doanh nghiệp trên toàn thế giới xác lập một bức tranh toàn cảnh về ngành Kỹ thuật Y sinh tại Việt Nam thông qua những báo cáo của các tác giả Việt nam.
Ở Hội nghị này đã có trên 20 biên bản ghi nhớ giữa các nhóm nghiên cứu quốc tế/Việt Nam, giữa các nhà sản xuất và các nhà khoa học được ký trên nhân sự kiện này. Đặc biệt, cộng đồng Kỹ thuật Y sinh giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đã được gợi mở thành lập để thúc đẩy quan hệ về khoa học kỹ thuật nói chung và Kỹ thuật Y sinh nói riêng.
Đồng tình với ý tưởng này, PGS. Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ Cao Sài Gòn đã cam kết hỗ trợ các sáng kiến trong nghiên cứu về y sinh bằng cả những chính sách cụ thể và thậm chí là cấp kinh phí thực hiện cho những dự án mang tính khả thi, phục vụ cộng đồng, mang lại giá trị kinh tế và xã hội.
Đường lăn cho một nền Kỹ thuật Y sinh đã có sẵn, nhưng liệu ngành kỹ thuật này có “cất cánh” hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hành động của cộng đồng BME Việt ngày hôm nay. Một khi đã cất cánh, đáp ứng từng phần nhu cầu chính đáng của người dân, khi mà giá trị được xã hội chấp nhận, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ ra đời theo.
Kỹ thuật y sinh (tiếng Anh: Biomedical engineering hay BME) là một bộ môn khoa học ứng dụng dựa trên các nguyên lý cơ bản trong kỹ thuật và các ý tưởng về thiết kế để đưa ra giải pháp trong y học, sinh học cũng như các mục đích chăm sóc sức khỏe khác (ví dụ như các chẩn đoán hoặc liệu pháp điều trị).
Tùy Phong