Cơ chế bảo vệ của sóc mở ra triển vọng trong chống đột quỵ

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu ở Mỹ mới đây kết luận khi sóc ngủ đông, một cơ chế bảo vệ sẽ xảy ra cho phép não hoạt động với lượng máu và oxy ít hơn.

Cơ chế bảo vệ của sóc mở ra triển vọng trong chống đột quỵ - 1

Khi thức dậy sau ngủ đông, sóc không bị ảnh hưởng dù cơ thể không được cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu trong thời gian dài, tất cả là nhờ cơ chế tự bảo vệ của não.

Chứng thiếu máu cục bộ ảnh hưởng việc máu được cung cấp đến các cơ quan, khiến tế bào chết, dẫn đến liệt nửa người, tay, chân, rối loạn ngôn ngữ...

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Anh (NINDS) cho rằng việc tìm ra loại thuốc có thể kích hoạt não thay đổi cơ chế hoạt động, giống như sóc ngủ đông, có thể ngăn ngừa tổn thương não.

Tác giả Joshua Bernstock, một nghiên cứu sinh của NINDS, cho biết: "Nếu chúng ta có thể kích hoạt chế độ ngủ đông cho não, ta có thể bảo vệ não khi bị đột quỵ và cuối cùng giúp bệnh nhân hồi phục”.

Tại Anh, mỗi năm có khoảng 100.000 người bị đột quỵ, 85% trong số đó là do thiếu máu cục bộ, với gần ⅔ để lại di chứng. Có 1,2 triệu người Anh hiện đang chịu những hậu quả sau khi bị đột quỵ. Hiện tại, cách duy nhất để giảm thiểu nguy cơ gây đột quỵ là loại bỏ cục máu đông càng sớm càng tốt.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quá trình mang tên SUMOlyation của não sóc khi chúng ngủ đông có thể bảo vệ tế bào não. Quá trình này được thúc đẩy bởi enzyme ebselen. Khi ebselen được tiêm vào tế bào não động vật, chúng vẫn sống ngay cả khi không có máu và oxy.

Tiến sĩ Francesca Bosetti, giám đốc chương trình của NINDS cho biết: "Sau hàng thập kỷ tìm kiếm, cuối cùng, các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp điều trị đột quỵ. Nếu hợp chất được xác định trong nghiên cứu này làm giảm tế bào chết và tăng khả năng hồi phục, nó có thể mang lại phương pháp tiếp cận mới trong bảo vệ tế bào não sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ."

Đoàn Dương (Theo Telegraph)