1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuyên gia thần kinh học tiết lộ bí quyết thoát khỏi căng thẳng tinh thần

Phạm Hường

(Dân trí) - Hít thở là một trong những chức năng cơ bản nhất của cơ thể con người, cơ bản đến mức chúng ta không hề để ý đến việc mình hít thở liên tục, không ngừng.

Không những thế, các chuyên gia còn cho biết hít thở có những tác dụng cực kỳ hữu ích, trong đó có tác dụng cắt cơn căng thẳng trước khi chúng ta rơi vào tình trạng hoảng sợ.

Chuyên gia thần kinh học tiết lộ bí quyết thoát khỏi căng thẳng tinh thần - 1

Hít thở có kiểm soát sẽ quyết định việc tim bơm máu đi khắp cơ thể nhanh hay chậm. (Ảnh: nerthuz/Adobe)

Nhà thần kinh học Andrew Huberman, Giáo sư trường Đại học Stanford, Mỹ, cho biết động tác hít thở gọi là "thở dài tâm lý" hoàn toàn có thể giúp bạn thoát khỏi cơn căng thẳng.

Kỹ thuật thở này rất đơn giản, dựa trên giải phẫu cơ thể con người. Về cơ bản, khi bạn hít vào, cơ hoành và các cơ khác làm cho lồng ngực của bạn nở ra. Khi đó, tim cũng mở theo. Và khi bạn thở ra, mọi thứ bị nén lại. Sử dụng nhịp thở để kiểm soát chuỗi mở và đóng này có thể dễ dàng làm tan biến cơn căng thẳng.

Cùng với nhịp tim, lưu thông máu cũng tăng hoặc giảm. Hệ thần kinh sẽ nhận biết điều này. Khi bạn hít vào một hơi dài hơn thở ra, tim sẽ đập nhanh hơn. Còn khi thở ra chậm hơn hít vào thì tim đập chậm lại.

Bạn có thể lợi dụng cơ chế hoạt động này để chế ngự căng thẳng bằng cách hít vào nhanh 2 lần qua mũi, rồi thở ra một hơi dài qua miệng. Về cơ bản động tác "thở dài tâm lý" này làm cho tim đập chậm lại, nhờ đó bạn sẽ tránh được rủi ro trở nên hoảng sợ do căng thẳng quá mức. Điều này rất có ích trước khi mọi thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn.

Nếu bạn đang tìm cách thoát khỏi căng thẳng, hãy lặp lại động tác thở như trên từ 1 đến 3 lần. Có một số kỹ thuật thở khác cũng có tác dụng tương tự. Chúng cũng dựa vào nguyên tắc thở ra chậm hơn hít vào để buộc tim và lồng ngực bị nén lại và làm chậm lưu thông máu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng động tác thở này để làm tim đập chậm lại khi bạn muốn nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

Theo bgr.com