1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor

(Dân trí) - Chuyên gia Nhật Bản cho biết, xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor sẽ xử lý triệt để 3 vấn đề, đó là: mùi hôi, chất lượng nước, lượng bùn. Đặc biệt, công nghệ này có giá thành rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải.

Để hiểu rõ hơn về công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản mà Hà Nội đang áp dụng thí điểm để làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn TS.Tadashi Yamamura, Chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Các bon thấp Nhật Bản, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến-thương mại môi trường Nhật Bản.

Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor - 1

TS.Tadashi Yamamura trao đổi với phóng viên Dân trí.

- Hà Nội đã khởi động Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Ông có thể giới thiệu về công nghệ này?

- Công nghệ này gồm hai thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).

Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt. 

Việc đặt các máy sục khí công nghệ nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 50 nm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.

Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor - 2
Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor - 3

Vận chuyển các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor để lắp đặt xuống sông Tô Lịch.

- Có ý kiến cho rằng, áp dụng làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor, thì sông Tô Lịch giống như "người bệnh" phải bơm oxy liên tục, nếu ngừng bơm là chết và tái ô nhiễm. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi cho rằng ai đưa ra ý kiến này là chưa hiểu đúng về công nghệ Nano - Bioreactor. Công nghệ này đang triển khai thí điểm tại đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây nó giống như một "nhà máy xử lý nước thải" đặt dưới lòng sông, hồ. Mà đã là nhà máy xử lý nước thải thì phải dùng điện. Chúng tôi phải cung cấp điện cho máy sục khí công nghệ Nano, sau này, khi dòng sông được làm sạch và ổn định rồi thì máy này chỉ chạy 15 phút lại nghỉ 45 phút, tức là chỉ chạy 6 tiếng/ngày.

Các tấm Bioreactor hoàn toàn không sử dụng điện được làm chủ yếu từ đá núi lửa Nhật Bản với bí quyết công nghệ đặc biệt là bột đá và không tan trong nước, tồn tại gần như vĩnh viễn. Tấm Bioreactor kích hoạt các vi sinh vật có lợi phát triển để phân hủy, phân giải các vi sinh vật có hại để tạo ra hệ thống là tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông. Còn các nhà máy xử lý nước thải tập trung thì phải dùng điện 24/24h.

Công nghệ Nano-Bioreactor của chúng tôi có 2 nguồn tạo ra oxy: Thứ nhất là hệ thống máy Nano tạo ra trực tiếp oxy và tăng nhanh nồng độ oxy hoà tan (DO) vào nước; Thứ hai là như tôi đã nói ở trên, Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí, các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng oxy từ trong phân tử nước, cung cấp nguồn oxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh.

- Ông có thể so sánh công nghệ Nano - Bioreactor với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung theo cách truyền thống?

- Nếu chúng ta xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung có công suất là 10.000m3/ngày đêm thì chúng ta phải bỏ số tiền khoảng 38,5 triệu USD và tốn diện tích đất rất lớn. Ngoài ra, chúng ta còn phải bỏ kinh phí xây dựng đường ống gom nước thải dài hàng chục km, như sông Tô Lịch là hơn 14km, các con sông khác có chiều dài lớn hơn nhiều, điều này rất tốn kém.

Còn công nghệ Nano - Bioreactor nó giống như "nhà máy xử lý nước thải" đặt ngay dưới lòng sông, không tốn kinh phí xây dựng hạ tầng, chi phí đầu vào rẻ hơn hàng chục lần so với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tâp trung. Chi phí rẻ, nhưng công suất của công nghệ này lại rất lớn, có thể xử lý được 1,3 triệu m3/ ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải sinh hoạt đổ vào sông Tô Lịch mỗi ngày (150.000m3/ ngày đêm). Tốc độ xử lý của công nghệ này gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tức là 2.200m/s. 

- Nhiều người vẫn chưa thực sự tin tưởng công nghệ Nano - Bioreactor, họ cho rằng muốn làm sạch sông Tô Lịch phải chặn nguồn nước thải hàng ngày đổ xuống rồi đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Sau đó, chỉ cần một trận mưa lớn sẽ đẩy hết nước bẩn của sông Tô Lịch đi, dòng sông sẽ sạch. Ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng làm như vậy không những không làm sạch được sông Tô Lịch mà đó còn là hành động "đổ trộm" nước bẩn sang nhà hàng xóm. Nếu dồn nước bẩn của sông Tô Lịch xuống hạ lưu thì người dân ở khu vực tỉnh Hà Nam sẽ phải hứng chịu. Chúng ta không thể xử lý kiểu chuyển nước bẩn đi chỗ khác như vậy được.

Kể cả chúng ta có tách được nguồn nước thải khỏi sông Tô Lịch thì dòng sông này vẫn tồn tại 3 vấn đề không xử lý được, đó là: mùi hôi, chất lượng nước và lượng bùn.

Còn công nghệ Nano - Bioreactor là xử lý nước thải ngay tại dòng sông, chứ không dồn nước bẩn đi nơi khác. Công nghệ này đặt ở đầu nguồn các con sông, phía hạ lưu cũng sẽ được thay đổi và nó xử lý triệt để được 3 vấn đề nên trên của sông Tô Lịch.

- Có ý kiến cho rằng công nghệ Nano - Bioreactor là làm sạch nhân tạo, sông Tô Lịch vẫn là con sông chết, không có khả năng tự làm sạch và việc tiêu hủy bùn là hành động giết chết hệ sinh thái của dòng sông?

- Công nghệ làm sạch môi trường nước hiện nay chỉ kích hoạt được khoảng 20% các vi sinh vật hiếu khí, còn 60% vi sinh vật kỵ khí và 20% vi sinh vật lưỡng tính chưa biết ở dạng nào thì không kích hoạt được. Trên thế giới công nghệ kích hoạt được vi sinh vật kỵ khí là cực kỳ khó, thì các tấm vật liệu Bioreactor làm từ đá núi lửa của Nhật Bản qua một công nghệ chế tác độc quyền lại có khả năng kích hoạt được 60% vi sinh vật kỵ khí. 

Việc xử lý môi trường chúng ta hình dung là như đi đánh trận, nếu đánh trận mà 60% binh sĩ mà cứ yếu ớt nằm vật vờ trên đường thì làm sao mà thắng được. Công nghệ Bioreactor này kích hoạt được 60% vi sinh vật kỵ khí thì sẽ mới thắng được.

Do đó, công nghệ này bảo tồn được vi sinh vật, phát triển được vi sinh vật có lợi, phân hủy các vi sinh vật có hại chứ không có một hành động nào giết chết hệ sinh thái của dòng sông, công nghệ này còn bảo tồn được hệ thủy sinh.

Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor - 4
Chuyên gia Nhật phân tích việc làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor - 5

Lắp đặt máy sục khí Nano xuống sông Tô Lịch.

- Ông nhắc nhiều đến vấn đề công nghệ Nano - Bioreactor là phát triển vi sinh vật có lợi, có ý kiến cho rằng, công nghệ này phải liên tục bổ sung vi sinh vật trong quá trình làm sạch sông Tô Lịch là rất khó khả thi. Ông nghĩ sao về điều này?

- Công nghệ Bioreactor là các bột đá núi lửa dạng tổ ong, xốp là chất xúc tác đưa vào cung cấp giá thể cho vi sinh vật sống, chứ bản thân tấm vật liệu này không chứa vi sinh vật và nó cũng không phải là vi sinh vật, nó hoàn toàn khác với công nghệ nuôi và cấy vi sinh vật ở Việt Nam. Nuôi và cấy vi sinh vật là chúng ta phải chọn chủng vi sinh vật xem có hợp với môi trường đó không, sau đó chúng ta phải nuôi nó, nó có sống được thì mới có khả năng xử lý ô nhiễm. 

Công nghệ Nano- Bioreactor nó hay ở chỗ là chất xúc tác nên không phải nuôi và cấy, đưa thiết bị này xuống lòng sông sẽ kích hoạt được các vi sinh vật có lợi phát triển, phân hủy các vi sinh vật có hại đi.

Tại dự án ở Vịnh Hạ Long- Quảng Ninh chúng tôi cũng xử lý bằng công nghệ Nano- Bioreactor đã có kết quả tốt. Trước khi xử lý thì có một đơn vị độc lập là Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam có lấy mẫu phân tích thì đã ra chỉ số vi sinh có lợi là con Bacillus trước khi xử lý không có 1 con nào, còn con sinh vật có hại là Coliform, EColi, trước khi xử lý chỉ số rất nhiều. Sau khi xử lý 1 tháng, vẫn là đơn vị này lấy mẫu phân tích thì con vi sinh vật có lợi Bacillus nó tăng đến mức 60.000 lần, sau 1,5 tháng nó tăng 80.000 lần; trong khi đó con sinh vật có hại Coliform, EColi …giảm tới 40.000 lần.

Xin cảm ơn TS.Tadashi Yamamura đã chia sẻ thông tin với độc giả của báo Dân trí!

Nguyễn Dương (Thực hiện)