1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình

(Dân trí) - Lắp đặt hệ thống lọc nước là giải pháp được nhiều gia đình áp dụng, để tự đảm bảo an toàn cho chính mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách thiết kế một hệ thống lọc nước toàn diện, có thể xử lý hoàn toàn các vấn đề về chất lượng nước đang gặp phải, cũng như dự phòng cho những rủi ro có thể phát sinh.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên ngành sư phạm Hóa, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi vì mỗi loại vật liệu lọc lại có một đặc tính khác nhau, có khả năng làm sạch các tác nhân ô nhiễm riêng, nên nếu muốn thiết kế một hệ thống lọc nước tối ưu, trước hết chúng ta cần biết đặc điểm chất lượng nước tại gia đình mình, cụ thể hơn là cần biết được nước của nhà mình đang bị ô nhiễm bởi các loại chất nào, từ đó tối ưu hóa hệ thống lọc, vừa giúp đảm bảo chất lượng nước sau lọc, vừa giúp tiết kiệm chi phí.

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 1

Tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên ngành sư phạm Hóa, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Về vấn đề này, giải pháp tốt nhất là người dân cần mang mẫu nước tại nhà mình đi phân tích ở các cơ sở có năng lực phân tích nước, có chứng nhận ISO 17025” – Tiến sĩ Kim Giang cho biết.

Bạn có thể tham khảo cách tự lấy mẫu nước tại nhà để đảm bảo sự chính xác của kết quả phân tích tại đây .

Nguồn nước tại nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân ô nhiễm nào?

Đối với nước dùng cho mục đích sinh hoạt, có 8 chỉ tiêu thuộc nhóm A theo QCVN 01-1:2018/BYT (bao gồm: Coliform, E.Coli, Asen, Clo tự do, Độ đục, Màu sắc, Mùi vị, pH) là những chỉ tiêu cơ bản nhất mà người dân có thể tiến hành phân tích, để đánh giá chất lượng nước của gia đình mình.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Kim Giang cũng phân tích kỹ hơn về tác nhân ô nhiễm thường gặp trong các loại nước tại nhà:

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 2

Nước giếng (hay nước ngầm) thường có hiện tượng nước cứng và có thể bị nhiễm Asen, các kim loại nặng. Đặc biệt, tại các vùng trũng, vùng đồng bằng thì nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng trong nguồn nước ngầm càng cao và mức độ ô nhiễm càng trầm trọng. Ngoài ra, một số nguồn nước ngầm còn bị nhiễm khí H2S, biểu hiện qua mùi trứng thối.

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 3

Nước máy được cấp đến các hộ gia đình đều đã qua hệ thống xử lý của nhà máy nước, với chất lượng nước được kiểm soát định kì theo quy định của Bộ Y tế nên khá an toàn. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt đôi khi cũng gặp vấn đề, xuất phát từ một số nguyên nhân như: trục trặc hệ thống xử lý của nhà máy nước, chất lượng đường ống dẫn nước có vấn đề, các sự cố đặc biệt hay đôi khi là từ chính quá trình lưu trữ nước của các gia đình đang sử dụng bồn chứa nước.

Những rủi ro trên làm phát sinh nhiều tác nhân ô nhiễm khác nhau, trong đó có thể là hợp chất hữu cơ như NH4+, NO3-, NO2- đôi khi là Clo được dùng để khử trùng vượt quá Quy chuẩn cho phép; nhiễm khuẩn Coliform, E.Coli gây tiêu chảy. “Nước máy khi được trữ trong bồn nước tại gia đình lâu ngày sẽ có nhiều oxy hòa tan vào và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển” – tiến sĩ Kim Giang cho biết. Về chất vô cơ có thể có Asen, kim loại nặng như sắt, Mangan. Ngoài ra, người dân có thể phân tích thêm các chỉ tiêu như: BOD5, COD, Độ cứng. Trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu như vụ việc của Nhà máy Nước sạch Sông Đà vừa qua, nước có thể bị nhiễm thêm các thông số đặc biệt như: Styren, Phenol, Toluen, Benzen.

Thiết kế hệ thống lọc tối ưu cho từng loại ô nhiễm nước

Theo tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, từ kết quả phân tích chất lượng nước, các hộ gia đình có thể lên phương án thiết kế hệ thống lọc nước phù hợp, để lọai bỏ những tác nhân ô nhiễm này, cụ thể:

Loại cột lọc chuyên dùng để lọc Asen, kim loại nặng và các chất vô cơ thường sẽ có lõi chứa các vật liệu lọc như: cát mịn, cát vàng, cát thủy tinh, bột sắt, hạt folic (hỗn hợp của oxit sắt và MnO2 chuyên dùng để lọc Asen) , đá ong, sỏi. Bên cạnh khả năng lọc kim loại nặng, loại cột lọc này cũng kiêm luôn chức năng lọc cơ học, giúp loại các cặn bẩn, chất không tan trong nước.

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 4

Hệ thống lọc kim loại nặng, Asen lắp tại hộ gia đình. Ngoài ra, có thể sử dụng các cột lọc nhỏ, thường lắp bên dưới tủ bếp. Tuy nhiên, kích cỡ cột lọc càng lớn thì thời gian phải thay thế càng lâu.

Trong trường hợp lọc nước giếng khoan, các gia đình nên cho nước đi qua bể lọc cát đầu tiên, đây là phương pháp lọc giá thành rẻ nhưng có khả năng loại bỏ Asen rất hiệu quả. “Đôi khi nước giếng khoan bơm lên đã nhiễm Asen và kim loại nặng cao gấp 20 lần quy chuẩn cho phép nhưng khi qua bể lọc cát thì giảm xuống 4-5 lần, nguồn nước này tiếp tục được đưa qua cột lọc chuyên dụng cho Asen và kim loại nặng thì sẽ không còn vượt ngưỡng.” – Tiến sĩ Kim Giang chia sẻ thêm.

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 5

Bể lọc cát đơn giản, giá thành rẻ nhưng có khả năng loại bỏ Asen tương đối hiệu quả.Trong trường hợp lọc nước giếng khoan, các gia đình nên cho nước đi qua bể lọc cát đầu tiên rồi mới đến cột lọc chuyên dùng cho Asen và kim loại nặng.

Để xử lý các chất tan trong nước, các chất gây màu, mùi, chất hữu cơ (trong đó có cả các chất trong dầu thải như Styren, Benzen, Toluen…) và diệt khuẩn, đặc biệt là nguồn nước dùng cho mục đích ăn uống, cần lắp thêm một cột lọc than hoạt tính để hấp phụ các tác nhân kể trên. Chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm: “Khả năng hấp phụ các tác nhân ô nhiễm của than hoạt tính đến từ bề mặt xốp với hàng loạt những lỗ rỗng li ti. Khi các tác nhân ô nhiễm đã lấp đầy các lỗ này, đồng nghĩa với việc than hoạt tính mất khả năng làm sạch nước. Do đó, sau thời gian sử dụng được nhà sản xuất khuyến cáo (thường là 6 tháng – 1 năm) cần thay thế cột lọc than hoạt tính.”

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 6

Cột lọc than hoạt tính được lắp ở cuối hệ thống lọc, cần chú ý thay thế định kì theo hướng dẫn của nhà cung cấp.

Ngoài các loại cột lọc, trên thị trường hiện nay còn có sản phẩm đèn UV. Theo tiến sĩ Giang, đèn UV có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh có trong nước và thường được lắp cuối cùng trong hệ thống lọc. Nếu muốn tăng cường khả năng sát trùng của hệ thống lọc, các gia đình có thể cân nhắc sử dụng thêm thiết bị này.

Chuyên gia hướng dẫn cách thiết kế hệ thống lọc nước toàn diện cho gia đình - 7

Đèn UV có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh có trong nước và thường được lắp cuối cùng trong hệ thống lọc.

Minh Nhật