1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuyên gia bắt rắn dùng tay không khuất phục hổ chúa "khủng" dài gần 5m

T.Thủy

(Dân trí) - Chuyên gia bắt rắn thể hiện sự chuyên nghiệp và bình tĩnh đáng kinh ngạc khi thản nhiên sử dụng tay không để khuất phục con rắn hổ chúa cỡ lớn, dài gần 5m.

Chuyên gia bắt rắn Natthapon Suea-ngam và đồng nghiệp làm việc tại lực lượng cứu hộ tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) được một người dân gọi điện nhờ giúp đỡ, khi người này phát hiện một con rắn cỡ lớn bò vào nhà.

Khi Natthapon Suea-ngam và cộng sự có mặt tại hiện trường, họ phát hiện một con rắn hổ chúa đang ẩn mình trong góc của nhà kho. Nhìn thấy sự xuất hiện của con người, rắn hổ chúa lập tức ngóc đầu lên đầy đe dọa và tung ra những cú cắn chết người.

Chuyên gia bắt rắn dùng tay không khuất phục hổ chúa "khủng" dài gần 5m (Video: BKT).

Bất chấp thái độ hung hãn của con rắn độc, Natthapon vẫn thể hiện sự bình tĩnh đáng kinh ngạc. Nathapon kéo đuôi con rắn ra chỗ trống, sau đó anh dùng tay không tóm gọn con vật một cách dễ dàng. Natthapon nhanh chóng khuất phục con rắn độc cỡ lớn mà không cần phải sử dụng bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào.

Các chuyên gia bắt rắn xác định con rắn hổ chúa dài hơn 4,8m và nặng chừng 8 kg. Con vật sau đó được các nhân viên cứu hộ mang đến thả ở một khu vực hoang dã, cách xa khu dân cư.

"Tôi đã quá quen thuộc với cách thức di chuyển của các loài rắn, đặc biệt là hổ chúa, nên có thể dễ dàng tránh được những cú mổ từ con vật", Natthapon Suea-ngam chia sẻ lý do anh có thể bình tĩnh đối mặt với con rắn cỡ lớn.

"Vào mùa đông, rắn hổ chúa thường trườn vào nhà dân để trốn lạnh hoặc bò đến các ruộng lúa, vườn cây ăn trái… để tìm bạn tình vì đây là mùa giao phối của chúng", Natthapon cho biết. "Nếu bạn nhìn thấy rắn xuất hiện mà không rõ đó là loài có độc hay không, hãy thông báo ngay cho lực lượng cứu hộ hoặc người có chuyên môn, đừng tự mình bắt rắn vì có thể đó là loài rắn độc chết người".

Thái Lan là quốc gia có sự tồn tại của rất nhiều loài bò sát, trong đó có nhiều loài rắn độc. Một nghiên cứu của trường Đại học Chulalongkorn (Bangkok, Thái Lan) cho biết trung bình mỗi năm có 7.000 người bị rắn độc cắn tại Thái Lan, 30 người trong số đó đã tử vong. Các loài rắn hổ mang, bao gồm cả hổ chúa, là thủ phạm cắn người nhiều nhất tại Thái Lan.

Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.

Hổ chúa được xem là "vua rắn" vì chúng săn lùng và ăn thịt các loài rắn khác trong phạm vi lãnh thổ của mình. Vai trò của hổ chúa là kiểm soát số lượng rắn trong khu vực mà nó sinh sống. Trong trường hợp các cá thể rắn khác đã bị suy giảm, rắn hổ chúa sẽ ăn thịt chính cả đồng loại của mình, như một cách để kiềm chế số lượng của loài rắn này.

Rắn hổ chúa thường đuổi theo những loài rắn săn chuột khác, điều này có thể dẫn đến việc chúng xuất hiện ở những khu dân cư và đụng độ với con người.

Theo các chuyên gia về bò sát, các loài rắn thường tìm cách lẩn trốn và không chủ động tấn công con người. Chúng chỉ tấn công con người nếu cảm thấy bị đe dọa trong trường hợp con người cố ý bắt hoặc tấn công chúng; hoặc bị vô tình giẫm phải.

Theo BKT/IDN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm