1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chuyện gì xảy ra nếu cây xanh không còn hấp thụ CO2?

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, cây xanh đang phải vật lộn để hấp thụ CO2, dẫn đến lượng khí thải tăng vọt.

Chuyện gì xảy ra nếu cây xanh không còn hấp thụ CO2? - 1

Cháy rừng tàn phá rừng quốc gia Stanislaus ở California, Mỹ ngày 22/7. (Ảnh: AFP).

Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2 và cung cấp oxy cho sự sống. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cảnh báo rằng lượng khí nhà kính phá kỷ lục vào năm 2023 có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống loại bỏ carbon của thiên nhiên đang gặp vấn đề.

Đáng chú ý, ở một số khu vực, cây xanh có thể "thải ngược" CO2 trở lại môi trường trong một quá trình gọi là hô hấp sáng.

Nhiệt độ được xem là tác nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hấp thụ carbon của cây cối và các hệ sinh thái trên cạn.

Theo Guardian, các quá trình trên đất liền và đại dương trước đây hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải CO2 do con người tạo ra. Tuy nhiên, nếu không duy trì được hiệu suất này, đó sẽ là một vấn đề đáng lo ngại.

"Cho đến nay, thiên nhiên đã cân bằng được sự lạm dụng của chúng ta", ông Johan Rockström, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, cho biết. "Tuy nhiên, điều này sắp kết thúc".

Chuyện gì xảy ra nếu cây xanh không còn hấp thụ CO2? - 2

Thiên nhiên đã không còn có thể cân bằng được sự lạm dụng của chúng ta? (Ảnh minh họa: UWL).

Chuyên gia này chỉ ra rằng các mô hình khí hậu hiện tại không tính đến sự sụp đổ của hệ thống "bồn chứa carbon". Đây là lý do giải thích tại sao hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn đang diễn ra nhanh hơn dự đoán.

Trong nghiên cứu, nhà sinh thái học Piyu Ke của Đại học Thanh Hoa và các đồng nghiệp phát hiện các "bồn chứa" trên cạn thậm chí có thời điểm đã ngừng hấp thụ carbon một cách tạm thời vào năm 2023.

Không chỉ gặp vấn đề trong hấp thụ CO2, thảm thực vật còn đang biến mất nhanh chóng do nạn phá rừng, thiên tai, cháy rừng... Tất cả vấn đề có một phần trách nhiệm của con người, và sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi lượng khí thải CO2 chỉ tăng khoảng 0,6% so với năm trước, thì mức tăng trưởng được phát hiện trong khí quyển phía trên trạm Mauna Loa lại cao hơn tới 86% so với năm 2022.

Kết quả này cho thấy thực trạng đáng báo động, vì nhiệt độ vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao vào năm 2024. Họ cảnh báo nếu điều này tiếp tục tái diễn, Trái Đất sẽ đánh mất sự cân bằng ở chu trình thiết yếu, và chúng ta dần tiến vào giai đoạn không thể đảo ngược.

Trước đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng hấp thụ CO2 của đại dương đã bị suy giảm nghiêm trọng trong suốt nhiều năm nay, do nhiệt độ tăng cao.

Theo www.sciencealert.com