Chuyện đời "nữ hoàng hổ" nổi tiếng từng đả bại cá sấu khổng lồ
(Dân trí) - Với "nữ hoàng" Machali, việc hạ gục những con cá sấu đáng gờm dường như chỉ là một phần trong chuỗi công việc thường ngày của nó.
Từng thống trị công viên quốc gia Ranthambore, Ấn Độ với diện tích hơn 900 km2 và trở thành một biểu tượng với những chiến tích lẫy lừng đến khó tin, "nữ hoàng hổ" Machali có lẽ là con hổ nổi tiếng nhất thế giới đến thời điểm hiện tại.
Nó cũng là con hổ đã mang đến cho những người yêu động vật hoang dã rất nhiều câu chuyện để nhớ, và truyền cảm hứng cho hàng loạt bộ phim tài liệu, trong đó "Tiger Queen" là bộ phim nổi bật nhất, đã giành được Giải thưởng Quốc gia tại Giải thưởng Điện ảnh Quốc gia lần thứ 66.
Huyền thoại Machali T-16
Machali (trong tiếng Hindu có nghĩa là "cá") là một con hổ thuộc giống Bental (Panthera tigris tigris), sinh năm 1997, là "chị cả" thống trị trong một lứa chỉ gồm 3 con cái. Sở dĩ được đặt cho cái tên này là vì Machli có những vệt tựa hình cá ở phần bên trái của khuôn mặt. Nó còn có tên gọi khác là T-16 dựa trên mã danh mà các nhân viên tại công viên quốc gia Ranthambore đặt cho nó, hay biệt hiệu "Lady of the Lake".
Bản lĩnh của một kẻ thống trị sớm được Machali thể hiện khi chỉ trong 2 năm đầu tiên, nó bắt đầu tự đi săn. Nó cũng chứng tỏ sự khác thường khi dám thách đấu với mẹ mình khi còn rất nhỏ. Đến lúc giành chiến thắng, Machali trở thành nữ hoàng của vùng hồ Ranthambore, lãnh địa chủ chốt của loài hổ trong công viên quốc gia Ấn Độ - cũng là khu vực lớn nhất, đẹp nhất, với diện tích 906 km2.
Kalli Doubleday, nhà nghiên cứu động vật ăn thịt tại Đại học Texas, Austin (Mỹ) từ nhỏ đã dành cho loài mèo lớn niềm yêu thích nhất định. Lớn lên, cô biết đến Machali và bắt đầu nghiên cứu về nó. Nghiên cứu của Doubleday đăng trên tạp chí Geoforum tháng 2/2017 đã tiết lộ những điều đặc biệt giúp Machli trở nên nổi trội hơn so với đồng loại của mình.
Theo nghiên cứu, trong tổng số 62 con hổ sống tại Ranthambore lúc bấy giờ, không có kẻ nào ngang tàng, ngạo nghễ như Machali. Biệt hiệu "Lady of the Lake" (nữ chúa của hồ nước) được đặt cho Machali không phải ngẫu nhiên, bởi nó là một chuyên gia "xử" những con cá sấu "khủng". Trong đó, nạn nhân của nó thường là loài cá sấu Mugger nổi tiếng, có kích thước lên tới 4 - 5 mét, nặng tới 200 kg.
Nói về cá sấu Mugger và hổ Bental, mặc dù một loài sống trên cạn, một sống dưới nước, song chúng thường xuyên "chạm mặt" vì có chung địa bàn hoạt động. Trong đó, hổ Bental mặc dù to lớn, khỏe mạnh, nhưng cũng vô cùng e dè khi đối đầu với cá sấu Mugger vì loài bò sát này thực sự là một kẻ giết người bẩm sinh, được trang bị bộ hàm mạnh mẽ có thể tóm và giữ con mồi to lớn như hươu, linh dương.
Thế nhưng với Machali, việc hạ gục những con cá sấu đáng gờm dường như chỉ là một phần trong chuỗi công việc thường ngày của nó. Tuy nhiên, có một cuộc chiến đã làm người ta nhớ mãi tên tuổi của Machali, khiến nó thực sự đã trở thành "Nữ hoàng" của vùng đất rộng lớn.
Đó là vào tháng 6/2003, khi Ranthambore bị rơi vào một trận hạn hán nặng nề, khiến một con cá sấu khổng lồ, dài tới 4,8 mét lần rời khỏi nơi trú ẩn và tiến vào hồ nước bên trong lãnh thổ của Machali. Sau khi hộ tống đàn con đến nơi an toàn, Machali quay trở lại và khiến du khách "mắt tròn mắt dẹt" khi hạ gục kẻ địch trong trận giao chiến khốc liệt.
Trận chiến mang lại cho Machali danh tiếng, nhưng cũng lấy đi của "Nữ hoàng" cặp nanh sắc nhọn - vũ khí khiến bao con thú săn mồi và động vật hoang dã khiếp sợ. Tuy nhiên, điều này không hề khiến sự hung dữ của Machali giảm bớt. Mặc dù là một con hổ cái, nhưng Machali luôn có bản tính thống trị và một cá tính mạnh mẽ trong đàn, có lúc dùng để chế ngự cả những con hổ đực.
Sau này khi lớn tuổi, Machali phải nuôi nấng đàn con trong tình trạng hàm rụng hết răng nanh và 1 bên mắt bị mất thị lực hoàn toàn. Song, "nữ hoàng hổ" chưa bao giờ thất bại trong việc bảo vệ con trước những con hổ đực lớn xác. Đối với loài hổ, hổ đực thường xuyên giết hại hổ con để có thể thuyết phục con cái giao phối. Dù thất thế hơn, Machli vẫn không khuất phục trước những kẻ cơ hội ấy.
Mạnh mẽ là thế, nhưng Machali tỏ ra cực kỳ thân thiện với ống kính, khi nó thường thản nhiên nằm trên phiến đá ưa thích, tạo dáng như một nữ hoàng thực thụ để du khách chụp ảnh.
Có lẽ bởi vậy, mà hình ảnh của Machali đã phủ sóng ở khắp mọi nơi, trên vô số các quyển tạp chí, sách báo, blog du lịch… và trở thành "nàng mẫu hổ" đắt giá nhất hành tinh.
Di sản và thành tựu của "Nữ hoàng"
"Nữ hoàng" Machali đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn giống nòi cho đàn hổ nói riêng, và quần thể hổ nói chung trên thế giới - vốn luôn bị đe dọa bởi những kẻ săn trộm. Trong quãng đời kéo dài gần 20 năm, nó sinh bốn lứa, gồm 11 hổ con - 7 con cái và 4 con đực.
Các con của Machali đã làm tăng số lượng hổ trong công viên lên đáng kể - từ 15 con hổ vào năm 2004, lên 50 con hổ vào năm 2014. Cuối cùng, hơn một nửa số hổ trong công viên đều thuộc dòng dõi của Machali. Năm 2008, hai trong số những con hổ cái thuộc đàn của Machli được chuyển đến Khu bảo tồn hổ Sariska và cũng thúc đẩy thành công số lượng hổ trong khu vực này. Khi ấy, số lượng hổ nhìn thấy ở Ranthambore đã tăng gấp 4 lần trong vòng một thập kỷ.
Không chỉ mang lại danh tiếng cho đàn, mà còn cả một vùng công viên quốc gia Ranthambore rộng lớn, thông qua việc thu hút hàng nghìn du khách ghé thăm khu vực này mỗi năm. Ước tính có thời điểm, công viên Ranthambore kiếm được 220 tỉ đồng (quy đổi) tiền doanh thu mỗi năm chỉ nhờ tiền vé. Phần lớn khách tới đây để chiêm ngưỡng "Nữ hoàng hổ huyền thoại".
Tầm ảnh hưởng của Machali lớn đến mức, nhà điều hành tổ chức Du lịch cho Hổ (TOFT) đã trao cho "Nữ hoàng" giải thưởng thành tựu trọn đời vào năm 2009 do đóng góp vào việc bảo tồn và thu hút khách du lịch.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã phát hành bìa và tem bưu chính kỷ niệm để tôn vinh Machali vì những đóng góp về mặt kinh tế và sinh thái của "Nữ hoàng".
Ngay cả khi Machali đã già, nó vẫn được các nhà chức trách giữ lại ở công viên Rajasthan và cung cấp thức ăn cho nó. Hằng ngày, họ sẽ dắt một con vật chẳng hạn như dê đến cột vào cây cho Machali. Khi ấy, mặc dù đã rụng gần hết răng, nhưng "Nữ hoàng" vẫn thừa sức giết chết con mồi nhờ lực cắn của bộ hàm cực khỏe.
Tháng 8/2016, vào một ngày nắng đẹp, Machali tìm đến một nơi yên tĩnh, nằm xuống và vĩnh viễn không bao giờ thức dậy nữa. Cảnh tượng như vậy đã khiến các nhân viên làm việc ở công viên quốc gia không khỏi xúc động.
Thông thường, hổ Bental chỉ sống được từ 12 tới 14 năm. Tuy nhiên vào thời điểm khi Machali qua đời, nó đã trên 19 tuổi. Sau khi chết, con hổ được chôn cất theo truyền thống đạo Hindu, cơ thể được bọc trong tấm vải trắng và phủ kín bằng vòng hoa. Tất cả nhân sự của công viên đều có mặt trong buổi lễ hỏa táng Machali, đây được xem là khoảnh khắc đặc biệt nhất lịch sử bảo tồn động vật trên khắp thế giới.