1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hổ và sư tử quyết đấu, kẻ nào mới thực sự là chúa sơn lâm?

Minh Khôi

(Dân trí) - Một video tư liệu ghi lại màn đụng độ hiếm có và đầy mãn nhãn giữa hổ và sư tử khi trên thực tế, 2 loài động vật này rất hiếm khi gặp nhau.

Màn tranh đấu nảy lửa giữa hổ và sư tử.

Trong đoạn video, có thể thấy hổ là kẻ chủ động rình rập và tấn công trước. Tuy nhiên màn "chào hỏi", sư tử mới là kẻ chiếm lợi thế khi đã có thể lao vào và đè ngửa hổ xuống đất.

Dẫu vậy, cả hai đều sở hữu cho mình sức khỏe vượt trội, nên việc chế ngự hoàn toàn đối phương là điều không thể.

Sau ít phút tranh đấu, hổ dần cho thấy sự vượt trội về cơ bắp và kỹ năng chiến đấu như để sinh ra cho các cuộc đấu tay đôi. Nó khiến đối phương chịu nhiều thương tổn nặng ở mặt, cổ và dọc thân thể. Trong khi đó, sư tử phần lớn đều ở trong tình thế bất lợi và không áp chế được hổ.

Hổ và sư tử quyết đấu, kẻ nào mới thực sự là chúa sơn lâm? - 1

Tuy nhiên, cán cân bắt đầu chuyển sang chiều hướng có lợi cho sư tử, khi hổ đang hăng máu, thì bất ngờ nằm lăn ra đất. Theo lý giải của người ghi lại đoạn video, con hổ này dường như bị choáng và gần như ngất đi, có lẽ do nó đã sử dụng quá nhiều năng lượng trong thời gian ngắn.

Thấy đối phương lộ điểm yếu, sư tử định lao vào để tung đòn kết liễu, nhưng ngay lập tức bị hổ phản đòn đầy quyết liệt.

Vốn đã dính nhiều vết thương chí mạng, sư tử quyết định không đánh liều mạng sống và tháo chạy, bỏ lại con hổ đang nằm lăn dưới đất vì mệt lử.

Hổ và sư tử quyết đấu, kẻ nào mới thực sự là chúa sơn lâm? - 2

Mặc dù có chung đặc điểm là họ mèo, nhưng sư tử và hổ như 2 giống loài riêng biệt. Sư tử đực châu Phi có thể dài đến 2,5m và nặng 270kg. Trong khi chiều dài của hổ Siberia có thể lên đến 3,38m và nặng khoảng 400kg.

Sư tử thường đi săn theo đàn và nhiệm vụ này thường do các con cái trong đàn đảm trách. Ngược lại, hổ là loài sát thủ đơn độc, rất ít khi hoạt động theo nhóm.

Hổ và sư tử quyết đấu, kẻ nào mới thực sự là chúa sơn lâm? - 3

Do vậy nếu dựa trên các đặc điểm về giống loài, nhiều người cho rằng hổ có ưu thế hơn sư tử và đây chính là hình ảnh của một "chúa sơn lâm" - đơn độc nhưng mạnh mẽ.

Về sức mạnh, hổ cũng tỏ ra vượt trội hơn nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ, cơ bắp, giúp chúng gần như không có đối thủ trong tự nhiên. Một khi hổ có thể bắt kịp và vồ lấy con mồi từ phía sau, rất khó để chúng chạy thoát.

Ở phía đối diện, khả năng chống chịu và sự bền bỉ của sư tử đực là vô cùng đáng nể, đặc biệt là trong những trận chiến sáp lá cà, bộ lông rậm rạp đóng vai trò như bộ giáp của chúng ở phần cổ, giúp chúng hạn chế tối đa vết thương.

Tuy nhiên, sư tử đực có thiên hướng nhiều hơn về tranh chấp địa bàn, cũng như thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong bầy.

Hổ và sư tử quyết đấu, kẻ nào mới thực sự là chúa sơn lâm? - 4

Vùng lãnh thổ bị chiếm giữ bởi một đàn sư tử được chúng coi là "vương quốc". Trong đó, các con đực gắn liền với một đàn có xu hướng đi bao quanh để tuần tra lãnh thổ của chúng. Trong khi những con cái và con non sẽ ở phần trung tâm.

Chính bởi sự đóng góp này nên sư tử đã tạo ra sự khác biệt khi chúng vẫn sinh sống với số lượng rất lớn trong tự nhiên, còn hổ thì đang trên bờ vực bị đe dọa.

Một điều thú vị là trước khi loài người thống trị trên "hành tinh xanh", thì sư tử mới chính là loài động vật chiếm nhiều lãnh thổ nhất, hơn bất kỳ loài động vật có vú trên đất liền.