Chuột con được sinh ra từ 2 chuột đực

Minh Khôi

(Dân trí) - Bước đột phá trong lĩnh vực chỉnh sửa gen giúp tạo thành những con chuột con mà không cần chuột cái.

Chuột con được sinh ra từ 2 chuột đực - 1

Nghiên cứu mới trên chuột mở ra những khả năng mới cho sự sinh sản của con người (Ảnh minh họa).

Trong tự nhiên, sinh sản là quá trình tất yếu, yêu cầu sự đóng góp của một cá thể đực và một cá thể cái, từ đó dẫn tới trứng được thụ tinh và cá thể con ra đời.

Tuy nhiên với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chỉnh sửa gen, chúng ta lần đầu tiên có thể đảo lộn quá trình này.

Đây là tuyên bố của ông Katsuhiko Hayashi, đến từ Đại học Osaka khi trình bày về công trình nghiên cứu của mình tại Hội nghị Chỉnh sửa gen người hôm 8/3 vừa qua.

Theo đó, nghiên cứu của ông và các cộng sự đã đạt được bước đột phá sau khi thay đổi nhiễm sắc thể trong một tế bào đực từ XY thành XX.

Để làm điều này, các nhà khoa học đã sử dụng các tế bào da của nam giới có nhiễm sắc thể X và Y và lập trình lại chúng để chúng biến thành cái gọi là tế bào gốc đa năng. Đây về cơ bản là những tế bào có thể biến thành bất kỳ loại tế bào nào khác.

Sau đó, họ xóa các nhiễm sắc thể Y trong tế bào gốc và sao chép các nhiễm sắc thể X của nó, trước khi thúc đẩy các tế bào gốc biến thành tế bào trứng với hai nhiễm sắc thể X.

Cuối cùng, Hayashi và các đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật này để tạo trứng từ tế bào đực và thụ tinh cho chúng để tạo ra 7 con chuột con có hai người cha ruột.

Mặc dù công trình này đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, và vẫn chưa được công nhận bởi các tổ chức khoa học, nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là sự đột phá, cho phép các cặp đồng tính nam lần đầu tiên được sở hữu con ruột của họ.

Dẫu vậy, sẽ mất một thời gian trước khi công nghệ sẵn sàng được sử dụng trên người một cách an toàn. Nguyên nhân là bởi các tế bào sinh sản của con người rất phức tạp và ít được biết đến hơn nhiều so với các tế bào của chuột.

Hayashi kỳ vọng trong vòng một thập kỷ tới, công nghệ tạo ra trứng từ tế bào nam ở người sẽ có thể được thử nghiệm. Bên cạnh đó, nếu nghiên cứu của Hayashi có thể mở ra những khả năng mới cho sự sinh sản của con người, thì công nghệ này có thể được xem xét trong tương lai.