Chống lãng phí trong hoạt động khoa học, công nghệ
Nguyên nhân hàng đầu là những điểm vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ
Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan, thực hiện đầu tư "đến ngưỡng" đi kèm với việc bảo đảm môi trường công khai, minh bạch. Đây chính là cách thực hành tiết kiệm và chống lãng phí các nguồn lực đầu tư hữu hiệu nhất.
Sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực đầu tư
Đầu tư cho khoa học, công nghệ và hiệu quả từ ứng dụng khoa học, công nghệ luôn là vấn đề được quan tâm. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học và công nghệ, mức đầu tư cho khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước bình quân mỗi năm đều tăng và chiếm khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Nguồn đầu tư này đã có được những kết quả nhất định, song vẫn tồn tại một số vấn đề về sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà, đã có sự lãng phí lớn khi nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong lại cất ngăn kéo; có sự trùng lắp đề tài nghiên cứu khoa học ở nhiều địa phương; nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học sau khi triển khai không có sản phẩm hoặc sản phẩm không có tính khả thi... Tình trạng "chảy máu chất xám" trong đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cũng gây lãng phí nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất, cụ thể là các phòng thí nghiệm cũng có sự lãng phí. Theo quy định, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia có tính chất mở, mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều được quyền sử dụng. Tuy nhiên, thực tế, các nhà khoa học bên ngoài cơ quan được đầu tư rất khó có thể tham gia sử dụng.
Trong khi hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm chưa sử dụng hết công suất, thì nhiều nơi vẫn phải đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm chuyên đề riêng của mình. Việc đầu tư trùng lặp này gây lãng phí ngân sách. Ngoài ra, quá trình đầu tư bị kéo dài, có những nơi lên đến 10 năm, khiến trang thiết bị không đồng bộ, hoạt động thiếu hiệu quả.
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tháng 10/2022 nêu rõ, còn tồn tại tình trạng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa bám sát với yêu cầu sản xuất, đời sống; các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa góp phần hình thành các lĩnh vực công nghệ hay ngành hàng mũi nhọn; nhiều kết quả khoa học và công nghệ từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách còn chậm được ứng dụng trong thực tiễn do các vướng mắc về quản lý tài sản công; hệ thống thông tin, thống kê về khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính hệ thống, độ tin cậy.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy
Có thể thấy, nguyên nhân hàng đầu là những điểm vướng mắc trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là vấn đề sử dụng ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ. Đó là tỷ trọng chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên quá cao.
Các nhà quản lý vẫn chưa chấp nhận rủi ro, chưa tin tưởng những người làm nghiên cứu. Điều này khiến không chỉ việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước gặp khó khăn, mà quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cũng lúng túng.
"Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro, nhằm thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên khoa học và công nghệ", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, hoạt động khoa học và công nghệ là hoạt động có nhiều tính đặc thù. Mục tiêu nghiên cứu càng lớn, càng mang tính đột phá, thì rất khó đạt được kết quả ngay từ những thử nghiệm đầu tiên.
Bên cạnh đó, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách hiện tại cũng là một rào cản để tối ưu hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai và sử dụng hiệu quả kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ.
Ngày 31/5/2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Song, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN chưa đủ sức công phá điểm nghẽn chính sách vốn đòi hỏi rất nhiều đổi mới trong cách tiếp cận, đổi mới về tư duy.
"Trong giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất với Chính phủ giao cho Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác nghiên cứu sửa đổi các quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ, đề xuất thêm các giải pháp tăng tính hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng quỹ; tham mưu Chính phủ về cơ chế đặc thù trong mua sắm, đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.