Chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững
(Dân trí) - Hiện nay vấn đề đô thị hóa là quy luật phát triển khách quan nhằm chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ theo sự phân công lao động xã hội với hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, mối quan hệ đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Đây cũng là một trong những nội dung của Đề tài “Chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững”, mã số KX.01.16/11-15, vừa được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu đánh giá đạt loại khá.
Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gia tăng ô nhiễm, góp phần làm biến đổi khí hậu. Việc kết hợp những thay đổi của các yếu tố này đã tác động ngược trở lại đối với quá trình đô thị hóa, hình thành các thành phố lớn như: sự phát triển kinh tế ngắn hạn, dài hạn của các đô thị; vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe; công ăn việc làm cho dân số đô thị.
Đề tài đã rút ra kinh nghiệm, bài học cho Việt Nam từ một số nước về chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với các mục tiêu gồm: đô thị hóa phải gắn kết với sức mạnh thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực; quy mô đô thị phải phụ thuộc vào chính quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông và nhà ở; quy hoạch sử dụng đất đô thị hóa hiệu quả là chìa khóa thành công của đô thị hóa; vai trò của Chính phủ trong phát triển đô thị, đặc biệt trong việc hình thành và phát triển các vùng đô thị qua các địa giới hành chính khác nhau; phân vùng và liên kết vùng đô thị là không thể thiếu trong chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững để phát triển đô thị mới hoặc đô thị vệ tinh cần gắn kết với vùng đô thị cốt lõi; chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững với con người là trọng tâm.
Tại Việt Nam, đô thị hóa đã phát triển rất nhanh, đặc biệt từ năm 1986 đến nay, khi Việt Nam thực hiện đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị suốt thời gian qua luôn giữ ở mức tăng trưởng tương đối khá và tăng trưởng liên tục, luôn cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nền kinh tế. Dải đồng bằng với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Hồ Chí Minh ở hai đầu đất nước luôn là những đô thị đầu tàu cho sự tăng trưởng và phát triển chung của cả nền kinh tế. Ngoài ra, đô thị hóa cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ; cải thiện đời sống dân cư đô thị; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được nâng cao; môi trường được cải thiện. Tuy nhiên, đô thị hóa ở Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, môi trường đô thì còn nhiều mặt chưa được cải thiện, ô nhiễm, ngập úng, xử lý chất thải còn thô sơ; đời sống một bộ phận cư dân đô thị gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người lao động nhập cư từ nông thôn vào thành thị, nhóm yếu thế trong xã hội; cơ cấu kinh tế chung của nền kinh tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề tài đã đề ra chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững, có tầm nhìn dài hạn về tổ chức, sử dụng hiệu quả tài nguyên theo kinh tế thị trường, đặc biệt là lấy con người và chất lượng sống của con người làm trọng tâm. Đô thị hóa là kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống toàn diện của cộng đồng dân cư.
Đề tài xác định mục tiêu đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững đến năm 2025 tầm nhìn 2050 là: Hình thành hệ thống đô thị Việt Nam nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng trên toàn lãnh thổ gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phù hợp với thực tiễn theo từng giai đoạn; Hiện đại hóa hệ thống đô thị hiện có theo hướng xây dựng đô thị phát triển bền vững thông minh, nhất là hai đô thị đặc biệt Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Nâng cấp các đô thị vừa nằm trên các trục đường giao thông chính, ven biển, hải đảo, các cửa khẩu; Hình thành quy hoạch và quản lý hệ thống đô thị Việt Nam hiện đại theo chùm đô thị, chuỗi đô thị, theo quy mô và chức năng đô thị đặc biệt, đô thị lớn, đô thị vừa, đô thị nhỏ, đô thị đặc thù phân bố hợp lý theo ba dải lãnh thổ: Dải đồng bằng; Dải miền núi, trung du và Tây Nguyên; Dải ven biển và hải đảo. Chuyển phần lớn lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới tại chỗ sang đô thị. Đến năm 2025 hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội trong hệ thống đô thị. Năm 2050 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có hệ thống đô thị hiện đại với GDP đầu người trên 15.000 USD, 85-95% đô thị hóa. Xây dựng và huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo từng kế hoạch dài hạn và trung hạn để đầu tư xây dựng cơ cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi vùng, liên vùng theo từng giai đoạn và yêu cầu hội nhập quốc tế nhằm bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.
Đồng thời, giải pháp thực hiện chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững đến năm 2025 tầm nhìn 2050 gồm: Hoàn thiện thế chế, luật pháp, chính sách xây dựng và thực hiện chiến lược đô thị hóa gắn với phát triển bền vững; Hoàn thiện quy hoạch hệ thống đô thị theo ba dải địa lý; Tăng cường cơ sở vật chất hỗ trợ thực hiện chiến lược đô thị hóa bền vững ; Đổi mới tổ chức bộ máy quản lý đô thị bền vững và hiện đại; Phối hợp đầu tư giữa Nhà nớc và nhân dân trong thực hiện chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững; Đào tạo nguồn nhân lực xây dựng và thực hiện chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững.
Thành công của Đề tài mang lại những đóng góp cho việc phân bố đô thị bền vững theo vùng lãnh thổ, định hướng phát triển các đô thị theo các chỉ tiêu cơ bản của đô thị đặc biệt, đô thị lớn, đô thị vừa, đô thị nhỏ và đô thị đặc thù trong tương lai.
P.A.T (NASATI)