Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam

Nam Đoàn

(Dân trí) - Những người yêu thiên văn học đã chụp lại được nhiều khoảnh khắc nguyệt thực nửa tối diễn ra vào đêm qua tại Việt Nam.

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 1

Ảnh chụp rõ nét hiện tượng nguyệt thực nửa tối vào lúc đạt cực đại tại Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Quốc Dũng).

Bắt đầu từ đêm qua, khoảng từ 22h14 ngày 5/5 đến 2h31 ngày 6/5, hiện tượng nguyệt thực nửa tối đã xuất hiện tại Việt Nam.

Nguyệt thực nửa tối lần này xuất hiện vào gần đúng thời điểm trăng tròn tháng 5, khiến độ quan sát rõ của hiện tượng phần nào giảm đi do ánh sáng từ Mặt Trăng.

Tuy nhiên, điều đó vẫn không làm giảm được sự đam mê của nhiều người yêu thiên văn trên cả nước, họ đã chờ đợi thời điểm hiện tượng nguyệt thực nửa tối diễn ra cực đại vào lúc 0h22 ngày 6/5 để chụp lại những bức ảnh tuyệt đẹp.

Dưới đây là một số hình ảnh hiện tượng nguyệt thực nửa tối diễn ra vào đêm qua:

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 2

Nguyệt thực nửa tối được chụp ở Cà Mau vào lúc 00h24 ngày 6/5 (Ảnh: Thịnh Nebula).

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 3

Nguyệt thực nửa tối được chụp vào lúc 00h ngày 6/5 tại Hải Phòng (Ảnh: Nguyn Acelin).

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 4

Hiện tượng nguyệt thực nửa tối không dễ dàng quan sát do bóng nửa tối rất khó nhận ra (Ảnh: Lê Quang Tuấn).

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 5

Nguyệt thực nửa tối được người yêu thiên văn Việt Nam chụp tại đất nước Campuchia - quốc gia đang diễn ra SEA Games 32 (Ảnh: Hữu Cường).

Chiêm ngưỡng nguyệt thực nửa tối tuyệt đẹp vào đêm qua tại Việt Nam - 6

Nguyệt thực nửa tối do người đam mê thiên văn Việt Nam chụp tại thành phố Tamano, tỉnh Okayam, Nhật Bản vào lúc 1h30 (giờ địa phương) ngày 6/5/2023 (Ảnh: Huỳnh Hào Huy).

Lưu ý rằng, những hình ảnh trên có sự khác nhau về màu sắc và độ nét do người xem chụp bằng nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại, máy ảnh trang bị ống tele (zoom xa) hay kính thiên văn.

Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng không hoàn hảo.

Khi đó, Trái Đất sẽ chặn một phần ánh sáng của Mặt Trời chiếu trực tiếp lên bề mặt Mặt Trăng và che phủ toàn bộ hoặc một phần Mặt Trăng bằng bóng của nó.

Vì vùng nửa tối mờ hơn nhiều so với bóng Trái Đất, nên nguyệt thực nửa tối của Mặt Trăng thường khó phân biệt và hay bị hiểu lầm với Trăng tròn bình thường.

Nguyệt thực nửa tối có thể là một phần hoặc toàn phần.

Trong nguyệt thực nửa tối một phần, chỉ một phần vùng nửa tối của Trái Đất bao phủ bề mặt Mặt Trăng, loại nguyệt thực này gần như không thể nhìn thấy.

Mặt khác, trong nguyệt thực nửa tối toàn phần, vùng nửa tối của Trái Đất bao phủ toàn bộ bề mặt của Mặt Trăng. 

Khi đó, những người quan sát có thể thấy Mặt Trăng chuyển sang màu tối hơn trong thời gian cực đại của nguyệt thực.