Chiếc quan tài bí ẩn của vị vua Ai Cập vĩ đại nhất trong lịch sử
(Dân trí) - Quan tài của vua Ramses II, một trong những Pharaoh Ai Cập lỗi lạc, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử đã được phát hiện từng mảnh một.
Năm 2009, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một mảnh đá granite lớn có khắc các biểu tượng hoàng gia của vua Ramses II, dường như nó là một phần của lăng mộ Pharaoh Ai Cập.
Các nhà khảo cổ đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu mảnh đá này và họ đã tìm ra kết quả. Trong gần 15 năm, nhóm nhà khoa học đã nắm giữ một phần quan tài của Pharaoh Ramses II mà không hề hay biết.
Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) thông báo, mảnh đá granite này đã được xem xét kỹ lưỡng và nó là một phần không thể thiếu trong quan tài của Pharaoh Ramses II.
Vua Ramses II được chôn cất tại Thung lũng các vị Vua ở Ai Cập, chiếc quan tài chứa thi thể ông có thiết kế gồm nhiều phần Strata (một lớp phủ bao gồm vàng, lớp thứ hai bằng đá granite và lớp thứ ba bằng thạch cao) và trong cùng chứa hài cốt của Pharaoh.
Mảnh đá granite thuộc cấu trúc của quan tài, nó được nhà nghiên cứu người Ai Cập Ayman Damrani phát hiện vào năm 2009, trong một tu viện Coptic ở miền trung Ai Cập.
Những đồ hình trang trí và chạm khắc hiện rõ trên tảng đá granite lớn này đã khơi dậy sự tò mò của các chuyên gia. Một đồ hình hoàng gia đã được phát hiện trên bộ bản khắc cuối cùng đã tiết lộ nguồn gốc của hiện vật.
Quan tài của Ramses II đã có một lịch sử đầy biến động, hầm mộ chôn cất ông nhiều lần bị những kẻ cướp bóc ghé thăm, chúng không ngần ngại đánh cắp những mảnh hiện vật quý giá của lăng mộ.
May mắn thay, xác ướp của Ramses II đã được các nhà khảo cổ tìm thấy và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia về Văn minh Ai Cập ở thủ đô Cairo.
Năm 1974, các nhà Ai Cập học làm việc tại bảo tàng và phát hiện xác ướp đang bị phân hủy với tốc độ đáng báo động do nhiễm nấm. Một năm sau, Maurice Bucaille, một bác sĩ người Pháp khi nghiên cứu thi thể, nhận định việc điều trị phải được tiến hành khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự phân hủy hoàn toàn.
Không còn cách nào khác, xác ướp phải được chuyển tới Paris (Pháp) để chiếu xạ.
Luật pháp của Pháp quy định, việc nhập cảnh và vận chuyển sang quốc gia này (bao gồm cả xác ướp) buộc phải có hộ chiếu hợp lệ. Để tuân thủ quy định, chính phủ Ai Cập đã cấp hộ chiếu cho Pharaoh, dù ông đã qua đời cách đó hơn 3.000 năm.
Ramesses II, còn được gọi là Ramesses Đại đế, là vị Pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 tại Ai Cập cổ đại.
Ông cũng được lịch sử ca ngợi là một trong những vị Pharaoh vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất nhờ các chiến thắng lừng lẫy.
Một trong số đó có thể kể tới thành tựu ông dẫn quân đánh bại người Hittite ở Anatolia và người Nubia ở phía nam Ai Cập. Công trình được ông chỉ đạo xây dựng là đền Abu Simbel và Ramesseum còn tồn tại tới ngày nay.