Chiếc bình gốm bí ẩn thực ra là "vũ khí chết người" 900 năm tuổi
(Dân trí) - Phân tích cấu tạo hóa học cho thấy các thành phần bên trong chiếc bình có chứa chất nổ.
Thùng chứa bằng gốm thời Trung cổ thường được sử dụng cho nhiều mục đích, như để đựng dầu, thuốc, thủy ngân, bia, rượu...
Tuy nhiên trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học bất ngờ khi tìm thấy những mảnh vỡ của một chiếc bình gốm có thể là phiên bản ban đầu của lựu đạn cầm tay, được các chiến binh sử dụng trong cuộc Thập tự chinh khoảng 900 năm trước.
Thông thường, thuốc nổ cầm tay cần có 3 thành phần thiết yếu, gồm có: Một là nhiên liệu để đốt cháy; hai là chất oxy hóa giúp đốt cháy nhiên liệu; và ba là một bình kín nhằm tạo áp suất, tạo điều kiện cho phản ứng cho đến khi gây ra một vụ nổ.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, cấu tạo của chiếc bình cổ dạng hình nón gồm phần thân tròn như bình hoa, phần đầu có một lỗ thủng nhỏ, có thể tạo ra đủ áp suất cho phản ứng. Ngoài ra, bên trong bình còn có dấu tích của các vật liệu gây nổ khác, gồm hỗn hợp dầu thực vật và mỡ động vật, cùng với natri nitrat, canxi nitrat, kali nitrat và magie nitrat.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những quả lựu đạn tương tự thậm chí còn được bổ sung các thành phần có thể làm thay đổi đặc tính nổ, chẳng hạn như magiê, nhằm tạo ra tia sáng chói lóa.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ chính xác vật liệu nổ sẽ được đốt cháy như thế nào. Carney Matheson, một nhà khảo cổ học phân tử tại Đại học Griffith ở Queensland, Australia nghi ngờ khả năng các thành phần có thể được phát nổ khi va chạm. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu thì nghi ngờ rằng các chiến binh thời Trung cổ đã luồn một kíp nổ vào trong bình thông qua một vết nứt nhỏ, sau đó cố định bằng nhựa thông.
Trước đây, các tài liệu ghi lại đều cho rằng bất kỳ thiết bị nổ cầm tay nào ở thời kỳ đầu đều cần có thuốc súng, và sử dụng than củi làm nhiên liệu, kali nitrat làm chất ôxy hóa, nhưng nghiên cứu mới có thể sẽ làm thay đổi quan điểm của các nhà khoa học về loại vũ khí chết người này.