Chernobyl hiện ra sao sau khi con người rời bỏ do thảm họa hạt nhân?
(Dân trí) - Một số loài động vật đang sinh sôi không ngừng, một số khác buộc phải tiến hóa …
Ngày 26/4/1986, một vụ nổ xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, khi đó thuộc Liên bang Xô Viết.
Nhà ở, văn phòng làm việc, và thậm chí cả công viên giải trí cũng trở nên trống vắng không bóng người. Không ai được phép vào thành phố mà không có giấy phép.
Sau khi con người rời khỏi Chernobyl, những tưởng nơi đây sẽ trở thành một thành phố hoang vắng, nhưng không, nó đã hồi sinh trở lại thành một nơi tràn đầy sự sống của các loài vật.
Ngày nay, thỉnh thoảng lại có những người sản xuất cho kênh Youtube đến quấy rầy những con cú đang đậu trên những ô cửa bỏ hoang, máy quay giấu kín ghi lại cảnh bò rừng đang gặm cỏ, linh miêu lén lút đi loanh quanh và nai sừng tấm non chơi đùa trong vũng nước.
Các nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc bất ngờ: những con cáo tạo dáng trên vỉa hè trống trải, cá da trơn bơi trong ao nước mát và cả đàn ngựa hoang Mông Cổ chạy qua khoảng trống và vượt qua biển báo "nguy hiểm".
Đã chẳng một ai ngờ đến cảnh tượng này. Người ta cho rằng khu vực đầy phóng xạ không chỉ có hại cho con người mà còn không phù hợp với đời sống của bất kỳ loài động vật nào trong hàng trăm năm.
Thế nhưng các nhà nghiên cứu theo dõi số lượng động vật có vú trong khu vực cấm này, cũng như ở khu bảo tồn sinh thái phóng xạ Polesie ở ngay bên kia biên giới Belarus, đã phát hiện ra rằng số lượng động vật sống ở đây cũng nhiều như ở những khu bảo tồn khác.
Họ đã quan sát được hơn 200 loài chim, cùng với các loài thú có vú, động vật lưỡng cư, cá và côn trùng. Tất cả đều có số lượng lớn và ổn định.
Tất nhiên, phơi nhiễm phóng xạ không hề tốt cho sinh vật hoang dã. Ngay sau thảm họa, tất cả các cây thông trong phạm vi 6,4 km từ nhà máy đã úa vàng, chết và người ta phải đem chôn chúng. Động vật không xương sống và động vật có vú nhỏ cũng bị diệt vong.
Nhiều năm sau, các nhà khoa học tìm thấy ở đây một số lượng đáng kể các loài côn trùng không còn đối xứng, nhạn bị bạch tạng và chuột đồng bị đục thủy tinh thể. Những đặc điểm này có thể liên quan đến vụ tai nạn ở nhà máy.
Tuy nhiên, các nhà sinh thái học bắt đầu nhận thấy rằng bất kỳ tác động tiêu cực nào như vậy đều được đền bù, và có lẽ thậm chí còn được đền bù nhiều hơn mất mát, bởi thiên nhiên nơi đây tuyệt đối không bị tác động của con người.
Quả thật, một số loài có thể thích ứng tốt với hoàn cảnh. Nghiên cứu đã cho thấy ếch ở đây sẫm màu hơn, điều này có thể giúp chúng chống lại một phần tác động tiêu cực của phóng xạ. Với một số loài, vùng đất bi thảm giờ đây có thể là một cơ hội sinh sống tốt.