Chế độ ăn giàu chất xơ phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ
(Dân trí) - Nghiên cứu mới của Australia phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ như rau và ngũ cốc - có thể giúp phụ nữ mang thai phòng tránh bị tiền sản giật.
Nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng acetat thấp có liên quan tới tỷ lệ mắc tiền sản giật cao hơn nhưng quá trình lên men chất xơ trong ruột làm tăng hàm lượng acetat.
Vì vậy, theo tác giả nghiên cứu chính, Ralph Nanan của ĐH Sydney, vi khuẩn trong ruột và chế độ ăn của mẹ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thai kỳ khỏe mạnh.
Nanan đưa ra một khuyến nghị đơn giản cho phụ nữ mang thai là ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật và không ăn quá nhiều. Đây có thể là chiến lược hiệu quả nhất trong phòng ngừa tiền sản giật.
Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ phổ biến. Nó được đặc trưng bởi tình trạng huyết áp, protein niệu tăng cao và sưng phù nghiêm trọng ở thai phụ.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tiền sản giật ảnh hưởng đến sự phát triển của một cơ quan miễn dịch quan trọng của thai nhi, tuyến ức. Thai nhi có mẹ bị tiền sản giật có tuyến ức nhỏ hơn nhiều so với bình thường.
Một phát hiện khác là hàm lượng các tế bào miễn dịch(tế bào T) được sản xuất bởi tuyến ức –những tế bào này liên quan đến việc phòng ngừa bệnh dị ứng và các bệnh tự miễn, như bệnh tiểu đường - thấp hơn ở những trẻ có mẹ bị tiền sản giật, thậm chí bốn năm sau khi sinh.
Trong các thí nghiệm với chuột, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng acetat cũng rất quan trọng trong việc phát triển tuyến ức của thai nhi và tế bào T. Tuy nhiên, những phát hiện này chưa được chứng minh ở người.
Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng cường một số sản phẩm trao đổi chất của vi khuẩn đường ruột khi mang thai có thể giúp duy trì thai kỳ khỏe mạnh và ngăn ngừa trẻ mắc các bệnh dị ứng và tự miễn sau này.
Nghiên cứu cũng giải thích tình trạng gia tăng nhanh chóng các bệnh dị ứng và tự miễn là vì nhiều thực phẩm chế biến và ít bổ sung chất xơ là phổ biến trong chế độ ăn phương tây.
Nghiên cứu được đăng trên tờ Nature Communications.
Nguyễn Hà
Theo Upi