Chất tạo mùi thơm gây ô nhiễm môi trường
(Dân trí) - Bạn thích mùi thơm của các sản phẩm? Nhưng hãy cẩn thận vì các phân tử nhất định tạo nên mùi thơm hoạt động như chất gây ô nhiễm môi trường và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Khi điều tra kênh Venice, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy dấu vết các phân tử có hại để tạo mùi trong thành phần của các sản phẩm như xà phòng, chất tẩy rửa và dầu gội và nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân khác mà chúng ta dùng hàng ngày.
Những phát hiện này cho thấy dấu vết của các phân tử “thơm” còn xuất hiện ở cả những nơi xa khu vực dân cư, mặc dù hàm lượng ở các kênh rạch trong nội thành là cao hơn 500 lần. Các mẫu thu được trong điều kiện thủy triều thấp có hàm lượng tương đương với hàm lượng trong nước thải chưa qua xử lý.
Marco Vecchiato, nghiên cứu sinh tại Đại học Foscari Ca 'của Venice, Ý cho biết: “Nghiên cứu xác nhận rằng chất tạo mùi thơm được phát tán liên tục trên các dòng kênh của Venice, cả khi thủy triều lên và xuống, ở khu vực trung tâm và con kênh này”.
Một trong những hợp chất thường được tìm thấy trong con kênh này là benzyl salicylate - một hợp chất hóa học được sử dụng trong mỹ phẩm như một chất phụ gia tạo mùi thơm hoặc hấp thụ tia UV và có thể gây kích ứng da.
Nghiên cứu cho biết, hệ thống xử lý nước thải hiện nay của Venice xử lý nước thải qua bể sinh học sau đó đổ trực tiếp vào các kênh rạch. Tuy vậy, phương pháp này không đủ làm giảm hàm lượng các phân tử này. Tuy nhiên, theo số liệu, hàm lượng chất tạo mùi này có vẻ dưới ngưỡng độc tính cấp đối với sinh vật biển.
Vecchiato nói: “Tuy nhiên, chúng ta không biết hậu quả của việc tiếp xúc kéo dài với liều lượng thấp của các chất này”.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học thu thập nhiều lần các mẫu nước từ 22 nơi giữa các kênh rạch bên trong trung tâm Venice, đảo Burano và tại hai điểm trong khu vực xa về phía bắc vào giữa tháng 4 và tháng 12/2015.
Họ tìm thấy sự có mặt của 17 chất tạo mùi đang được sử dụng phổ biến nhất và có thành phần hóa học ổn định trong số hàng ngàn chất tạo mùi được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Các kết quả đã được công bố trên tạp chí “Science of the total environment”
Hà Ngân (Theo Indianexpress)