Chất bí ẩn trên những xác ướp 3.600 năm tuổi

Trần Hải

(Dân trí) - Không phải vàng, bạc hay đá quý, có một bộ phận người cổ xưa trăn trở khi chết đi, họ mang theo loại phô mai nào xuống mồ.

Chất bí ẩn trên những xác ướp 3.600 năm tuổi - 1

Một trong những xác ướp Tarim được tìm thấy cùng loại phô mai lâu đời nhất thế giới (ảnh nhỏ) (Ảnh: Wenying Li, Yimin Yang).

Khoảng 20 năm trước, một nhóm các nhà khảo cổ học đã có một phát hiện kỳ lạ. Đó là có thứ gì đó được bôi lên đầu và cổ của một vài xác ướp tại nghĩa trang Xiaohe, lưu vực Tarim, phía Tây Bắc của Trung Quốc.

Chất này có màu trắng và niên đại rất cổ, nhưng không xác định được chính xác nó là gì. Mới đây, một nghiên cứu đã giải đáp được bí ẩn này. Đó là một mẫu phô mai (pho mát) lâu đời nhất thế giới.

Các xác ướp ở lưu vực Tarim có niên đại 3.300-3.600 năm, thuộc thời đại đồ đồng.

Nhờ những tiến bộ trong công nghệ phân tích DNA, các nhà khảo cổ học xác nhận rằng, chất lạ màu trắng nói trên là một loại phô mai. Bằng phương pháp tách chiết DNA ty thể trong mẫu, họ đã thu được DNA của bò, dê và thậm chí cả vật chất di truyền của vi sinh vật.

Loại phô mai cổ này là Kefir, khá giống sữa chua, nhưng có hương vị thơm hơn và đặc hơn. Nó chứa cùng các loài vi khuẩn và nấm mà chúng ta tìm thấy trong phô mai Kefir ngày nay, gián tiếp tạo ra cơ hội nghiên cứu xem vi khuẩn Lactobacillus Kefiranofaciens đã phát triển như thế nào trong 3.600 năm qua.

Chất bí ẩn trên những xác ướp 3.600 năm tuổi - 2

Phô mai Kefir ngày nay (Ảnh: Cheesemaking)

Thời kỳ hiện đại, có hai chủng Lactobacillus Kefiranofaciens chính, một đến từ Nga (loại được sử dụng nhiều nhất) và một đến từ Tây Tạng. Chủng Lactobacillus Kefiranofacia trong mẫu phô mai cổ nói trên khá tương đồng với chủng có trong phô mai Tây Tạng ngày nay.

Kết quả này có thể phá vỡ một niềm tin đã tồn tại lâu nay rằng phô mai Kefir có nguồn gốc từ vùng núi Bắc Caucasus của Nga.

Nhà nghiên cứu Qiaomei Fu, thuộc Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết: "Quan sát của chúng tôi cho thấy "văn hóa Kefir" đã được hình thành và duy trì ở vùng Tân Cương phía Tây Bắc của Trung Quốc kể từ thời đồ đồng".

"Đây là kết quả nghiên cứu chưa từng có, không chỉ cho phép chúng ta quan sát cách thức vi khuẩn tiến hóa hơn 3.000 năm qua, mà còn giúp chúng ta có được bức tranh rõ ràng hơn về cuộc sống của con người cổ đại và ảnh hưởng của họ tới thế giới ngày nay.

Đây mới chỉ là khởi đầu và với công nghệ này, chúng tôi hy vọng sẽ khám phá được những mẫu vật khác chưa từng được biết đến", nhà nghiên cứu nói thêm.

Về lý do tại sao phô mai lại được xoa lên đầu và cổ của các xác ướp ở lưu vực Tarim, các nhà khoa học đoán rằng, có lẽ phô mai từng được coi là một thứ vô cùng quý giá.

Theo www.iflscience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm