Cầu vồng sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhưng đây không phải tin vui
(Dân trí) - Một trong những hệ quả bất thường của biến đổi khí hậu khắc nghiệt bao gồm sự gia tăng tần suất của cầu vồng trên toàn cầu vào năm 2100 lên khoảng 5%.
Cầu vồng là hiện tượng tán sắc ở ánh nắng Mặt Trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Chúng là một trong những hiện tượng tự nhiên đẹp nhất mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát sau những cơn mưa lớn vào ban ngày.
Tuy nhiên, việc nhìn thấy nhiều hơn cầu vồng có thể không phải là một điều may mắn, khi đây là một trong những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra theo chiều hướng xấu.
Đây là tuyên bố của các nhà nghiên cứu tại Đại học New York, Mỹ sau khi sử dụng dữ liệu thực tế để dự đoán những thay đổi của khí hậu toàn cầu trong những năm tới.
Được biết, nhóm đã nghiên cứu hàng chục nghìn bức ảnh về cầu vồng được công khai trên trang chia sẻ ảnh Flickr, sau đó kết hợp với những thông số gồm vị trí được ghi lại, khoảng thời gian, bản đồ lượng mưa, độ che phủ của mây, góc của Mặt Trời...
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một mô hình dự đoán khí hậu để phân tích, và đưa ra kết quả đáng kinh ngạc.
Theo đó, tỷ lệ nhìn thấy cầu vồng có thể gia tăng từ 66 - 79% khi nhiệt độ Trái Đất ấm lên, cũng đồng nghĩa với sự biến đổi khí hậu gia tăng. Ước tính đến năm 2100, sự gia tăng tần suất của cầu vồng trên toàn cầu có thể đạt khoảng 5%.
Cũng theo nghiên cứu, những khu vực có dân số thấp, nằm ở độ cao lớn hơn mực nước biển, cũng như vĩ độ cao, thí dụ như Cao nguyên Tây Tạng sẽ là những khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gia tăng tổng thể của cầu vồng.
Bên cạnh đó, những khu vực hải đảo, quần đảo với điều kiện không khí gió biển đa dạng, bầu trời quang đãng, cũng là "điểm nóng" xuất hiện cầu vồng.
Thông qua phát hiện này, nhóm nghiên cứu muốn cho thấy những thay đổi hữu hình hơn về biến đổi khí hậu, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.
Họ tin rằng một phần của thách thức để giải quyết thành công cuộc khủng hoảng khí hậu là làm cho mọi người quan tâm đủ đến môi trường tự nhiên xung quanh họ và kích thích mong muốn bảo vệ chúng.
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Global Environment Change.