Lỗ hổng tầng Ozon lớn nhất kể từ 2015

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhiệt độ biến động của tầng bình lưu đã dẫn đến mức độ suy giảm tương đối cao của tầng ozon, đạt đỉnh vào ngày 5/10.

Lỗ hổng tầng Ozon lớn nhất kể từ 2015 - 1

Tầng Ozon có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hành tinh, môi trường sống và con người (Ảnh: Shutterstock).

Lỗ hổng tầng Ozon lớn nhất kể từ 2015

Theo Iflscience, lỗ thủng tầng Ozon nằm phía trên Nam Cực vừa đạt đỉnh trong năm 2022 với kích thước xấp xỉ 26,4 triệu km vuông vào ngày 5/10 vừa qua. Đây là kỷ lục lớn nhất đo được của lỗ hổng này, kể từ năm 2015.

Nguyên nhân khiến lỗ thủng tầng Ozon trở nên bất ổn như vậy vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng những vụ cháy rừng lớn ở Úc và vụ phun trào núi lửa dưới đáy biển gần đây ở Tonga có thể là những tác nhân chính.

Dẫu đây là năm thứ 3 liên tiếp tầng Ozon mở rộng với kích thước đáng lo ngại, song xu hướng chung cho thấy trên thực tế, nó vẫn đang thu hẹp mỗi năm. Đây là điều vô cùng đáng mừng.

Theo Paul Newman, Giám đốc tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA, lỗ hổng Ozon luôn tăng mạnh kích thước trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10. "Tuy nhiên, năm nay tình hình có tệ hơn một chút, bởi mức nhiệt trên tầng bình lưu đã giảm mạnh", Newman giải thích.

Được biết, sự suy giảm tầng Ozon trên khu vực cực Nam của Trái Đất chủ yếu là do nồng độ các hợp chất clo tăng cao, đến từ các đám mây xuất hiện ở tầng bình lưu.

Các đám mây này cung cấp môi trường cho các phản ứng hóa học chuyển đổi các chất làm suy giảm tầng Ozon - hay chlorofluorocarbon (CFC) thành các dạng nguyên chất như khí clo - đồng thời vô cùng độc hại.

Lỗ hổng tầng Ozon lớn nhất kể từ 2015 - 2

Ô nhiễm khí thải khiến tầng Ozon bị tàn phá nặng nề trong nhiều thập kỷ qua (Ảnh: Getty).

Khi ánh sáng mặt trời cùng với bức xạ tử ngoại tiếp xúc với những đám mây này, chúng sẽ giải phóng các nguyên tử clo, rồi bắt đầu tương tác và phá hủy các phân tử Ozon.

Quá trình này sẽ kéo dài suốt từ đầu mùa thu, tới hết mùa xuân. Nó sẽ ổn định trở lại khi nhiệt độ trở nên quá cao để các đám mây tồn tại.

Điều may mắn là tầng Ozon đã được phục hồi ít nhiều trong vài thập kỷ qua, chủ yếu nhờ Nghị định thư Montreal ký năm 1987 cấm sử dụng các chất làm suy giảm tầng Ozon.

Trước đó, kích thước lỗ thủng tầng Ozon từng đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 9 năm 2000. Tại thời điểm ấy, lỗ thủng được đo với kích thước xấp xỉ 29,9 triệu km vuông.

Hậu quả của việc suy giảm tầng Ozon

Tầng Ozon bị suy giảm gây ra những hệ lụy tới con người, động - thực vật cũng như hệ sinh thái biển.

Theo đó, việc tầng Ozon bị suy giảm thường đồng nghĩa với việc các tia cực tím độc hại từ ánh nắng mặt trời sẽ chiếu trực tiếp xuống Trái Đất.

Khi con người tiếp xúc nhiều với các tia này sẽ làm phá vỡ hệ miễn dịch, từ đó gây ra những loại bệnh nguy hiểm như ung thư, hình thành các khối u ác tính, cháy nắng, lão hóa nhanh.

Lỗ hổng tầng Ozon lớn nhất kể từ 2015 - 3

Lỗ hổng tầng Ozon gây ra nhiều hệ lụy tới con người, động - thực vật cũng như hệ sinh thái biển (Ảnh: Shutterstock).

Đối với hệ thực vật, khi bị ảnh hưởng bởi các tia cực tím, các lá cây sẽ nhanh chóng bị hư hại và cản trở quá trình quang hợp của cây cối. Đồng thời, làm giảm năng suất trồng trọt, hiện tượng mất mùa diễn ra nhiều hơn, cây cối chết hàng loạt.

Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thức ăn và điều kiện sống của nhiều loài động vật trong tự nhiên.

Đối với hệ sinh thái biển, các tia bức xạ UV làm ảnh hưởng lớn đến giai đoạn phát triển của các loài sinh vật biển như tôm, cua, cá,...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm