Cậu bé 8 tuổi cắn chết rắn hổ mang ở Ấn Độ

Minh Khôi

(Dân trí) - Sự việc đáng kinh ngạc được ghi nhận khi con rắn hung dữ đọ sức với cậu bé 8 tuổi rồi bỏ mạng theo một kịch bản khó tin.

Cậu bé 8 tuổi cắn chết rắn hổ mang ở Ấn Độ - 1

Rắn hổ mang chúa (Ảnh: Getty).

Rắn hổ mang chúa là loài rắn độc thuộc họ Elapidae, được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm và đáng sợ đối với con người nếu chẳng may bắt gặp chúng trong phạm vi sinh sống, với nọc độc có thể gây tử vong.

Tuy nhiên trong một trường hợp hy hữu trái với tự nhiên, một cậu bé 8 tuổi ở Ấn Độ đã giết chết một con rắn hổ mang trước khi nó kịp làm điều ngược lại.

Theo truyền thông địa phương, cậu bé có tên là Deepak đang chơi bên ngoài nhà tại một ngôi làng ở quận Jashpur, Chhattisgarh, thì bất ngờ bắt gặp một con rắn hổ mang có nọc độc chưa xác định.

Con rắn ngay lập tức lao đến, cuộn cơ thể quanh cánh tay của Deepak rồi cắn cậu bé khiến cậu "vô cùng đau đớn".

Để "trả đũa", cậu bé 8 tuổi được cho là đã dùng hàm của mình để cắn hai nhát vào con rắn. Rốt cuộc, hành động này khiến con rắn bỏ mạng, còn Deepak thì vẫn bình an vô sự.

Cậu bé 8 tuổi cắn chết rắn hổ mang ở Ấn Độ - 2

Chiếc răng chứa nọc rắn độc, được rắn tiêm vào nạn nhân qua các vết cắn (Ảnh: Science).

Sau khi sự việc xảy ra, Deepak đã được nhanh chóng đưa đến bệnh viện và được điều trị bằng thuốc kháng nọc rắn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng dường như vết cắn từ con rắn không chứa nọc độc, mặc dù bản thân nó có thể có độc.

Sự việc hy hữu đã thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương và quốc tế. Lý giải cho việc vết cắn của rắn không chứa độc, các nhà khoa học cho rằng đây có thể là trường hợp khi con rắn không chủ động muốn giết chết cậu bé, mà chỉ đơn thuần là tự vệ.

Theo nghiên cứu, nọc độc rất tốn năng lượng để sản xuất. Vì vậy rắn thường chọn không sử dụng nọc độc trừ khi chúng bị buộc phải làm như vậy.

Một số chuyên gia cũng cho rằng rắn độc đôi khi vẫn sử dụng các "vết cắn khô" (PV: hay vết cắn không chứa nọc) như một cơ chế phòng thủ để cảnh báo những động vật lớn hơn mà chúng không có ý định giết chết. Đây có lẽ là trường hợp đã xảy ra khi con rắn hổ mang cắn cậu bé Deepak.

Theo một đánh giá vào năm 2020 được công bố trên tạp chí Toxins, hàng năm có khoảng 5,4 triệu vết cắn từ các loài có nọc độc và không có nọc độc. Tuy nhiên, trung bình chỉ 50% vết cắn này đã tiêm nọc độc vào nạn nhân, gây ra cái chết cho khoảng 138.000 người.

Ngay cả các chuyên gia cũng khó nhận định chính xác có bao nhiêu vết rắn cắn từ các loài có nọc độc là "vết cắn khô", bởi nạn nhân có thể xác định nhầm loại rắn nào đã cắn họ.

Bên cạnh đó, các "vết cắn khô" trên thực tế vẫn có thể gây viêm, dẫn tới việc bị chẩn đoán nhầm là có chứa nọc độc, theo một số bác sĩ.