Cách để hâm nóng lại cơm mà không mang bệnh tật
(Dân trí) - Trước đây, từng có khuyến cáo rằng, ăn cơm hâm nóng lại khá nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thưởng thức cơm hâm nóng lại mà không gặp nguy cơ gì nếu cẩn thận.
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm, “thực ra việc hâm nóng không phải là vấn đề, mà vấn đề là ở cách bảo quản cơm trước khi hâm nóng”. Nghĩa là, nếu bạn tuân thủ nguyên tắc bảo quản cơm trước khi hâm nóng thì mọi thứ đều khá an toàn.
Các nhà khoa học cho biết, trong cơm có bào tử của một loại vi khuẩn có khả năng gây hại tên là Bacillus Cereus. Đây là các tế bào nhỏ xíu có khả năng sinh sản nhanh chóng – và chúng có khả năng gây bệnh cho bạn nếu có điều kiện.
Nếu cơm được để ở nhiệt độ phòng sau khi đã nấu chín, các bào tử này có thể trở thành vi khuẩn gây hại, chúng sẽ tạo ra độc tố gây nôn mửa và tiêu chảy. Cơm để càng lâu thì nguy cơ bạn mắc bệnh càng lớn. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên ăn cơm ngay sau khi nấu.
Nếu cơm còn thừa thì nên được làm nguội nhanh chóng – nhưng không phải bằng cách cho vào tủ lạnh.
Hệ thống dịch vụ y tế của Anh (NHS) khuyến nghị rằng nên làm nguội cơm trong vòng 1 tiếng. Một khi cơm đã nguội, bạn có thể cho vào trong tủ lạnh và để trong một ngày hoặc lâu hơn. Sau đó, khi hâm nóng lại cơm thì nên dùng cách hấp.
Anh Thư (Theo The Sun)