Các nhà khoa học Úc sử dụng dầu đậu nành để chế tạo graphene
(Dân trí) - Các nhà khoa học Úc đã biến đổi dầu ăn bình thường thành graphene, qua đó, có thể giảm giá thành sản xuất vật liệu này.
Graphene là loại vật liệu cácbon chắc chắn, chỉ rộng một nguyên tử và dẫn điện tốt hơn đồng. Vật liệu này được các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Manchester phát hiện vào năm 2004 và mang lại cho các nhà phát minh ra nó Giải thưởng Nobel năm 2010.
Giờ đây, các nhà khoa học Úc đã tạo ra được graphene có tiềm năng thương mại từ dầu đậu nành. Graphene có triển vọng cho nhiều ứng dụng trong các thiết bị điện tử, thiết bị y sinh và máy lọc nước.
TS. Zhao Jun Han thuộc Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Úc cho rằng: "Một trong những yếu tố hạn chế việc sử dụng graphene là giá thành cao so với các vật liệu khác. Nếu giảm giá thành, chúng tôi có thể đẩy mạnh việc ứng dụng vật liệu này".
Phương pháp mới bao gồm làm nóng dầu đậu nành trong môi trường không khí xung quanh cho đến khi dầu phân tách thành các "đơn vị cấu thành cácbon cần để tổng hợp graphene". Sau đó, dầu nhanh chóng được làm mát trên lá niken tạo thành một hình chữ nhật mỏng.
TS. Han cho rằng quá trình này đơn giản và an toàn hơn so với các phương pháp hiện có, trong đó sử dụng khí nén dễ nổ và xử lý chân không. Với công nghệ hiện nay, một màng graphene chất lượng cao đường kính 10cm, có giá thành lên đến 750 USD. Phương pháp mới có thể hạ giá thành của vật liệu này.
TS. Han cho biết: "Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi có những quy định về an toàn rất nghiêm ngặt. Chúng tôi đã cố gắng xác định xem đây có phải là một phương pháp an toàn để chế tạo graphene mà không cần sử dụng các loại khí nguy hiểm hoặc dễ nổ hay không".
Sau khi áp dụng phương pháp thử nghiệm và báo lỗi, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp. Nhóm nghiên cứu hy vọng graphene được tạo ra bằng phương pháp mới, sẽ được sử dụng trong các bộ lọc nước, tấm pin mặt trời và pin.
Nghiên cứu do CSIRO dẫn đầu, còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Sydney, Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Công nghệ Queensland.
N.P.D-NASATI (Theo BBC)