Các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc giải mã bí ẩn của kì quan thế giới Stonehenge
(Dân trí) - Một trong những kì quan thế giới và công trình tiền sử nổi tiếng nhất ở châu Âu, gồm các khối đá dựng đứng và xếp chồng lên nhau, mỗi khối đá cao 4m, rộng 2,1m và nặng gần 25 tấn.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Antiquity, một nhóm các nhà khảo cổ học và địa chất học đến từ Đại học Luân Đôn (UCL) đã đưa ra bằng chứng mới về việc “những khối đá xanh” sử dụng trong việc xây dựng công trình Stonehenge nổi tiếng thế giới được khai thác và vận chuyển như thế nào 5.000 năm trước.
Giáo sư Mike Parker Pearson đến từ UCL đã giải thích rằng điều thật sự thú vị về phát hiện mới này là “chúng đưa chúng ta tiến một bước gần tới việc giải mã bí ẩn lớn nhất của Stonehenge – tại sao các khối đá của nó lại xuất phát từ nơi xa tới vậy”.
Ông bổ sung: “Các công trình thời đồ đá mới khác ở châu Âu được xây dựng bằng sự vận chuyển đá tới từ cách đó không quá 16km. Giờ chúng tôi đang tìm hiểu đồi Preseli 5.000 năm trước có gì đặc biệt tới vậy, và liệu có vùng mỏ đá đặc biệt nào đó , được khai thác trước khi những khối đá xanh được chuyển tới Stonehenge”.
Mỏ đá lớn nhất được phát hiện cách Stonehenge gần 289km trên phần trồi lên của Carn Goedog, nằm gần dốc phía bắc của đồi Preseli.
Nhà địa chất học Richard Bevins gọi đó là “nguồn chủ yếu của đá dolerite đốm của Stonehenge, được gọi như vậy vì nó có các đốm trắng trên đá hỏa sinh xanh”.
Ông nói thêm: “Ít nhất năm khối đá xanh của Stonehenge, và có lẽ còn nhiều hơn, bắt nguồn từ Carn Goedog”.
Trong suốt các cuộc khai quật tại hai mỏ đá ở Wales, được biết đến như nguồn gốc của “những khối đá xanh” Stonehenge, các nhà nghiên cứu thấy rằng những phần đất trồi đá xanh được hình thành từ các cột thẳng đứng, tự nhiên.
Họ cho rằng khác với đá hình chóp và các khối đá ở Ai Cập cổ, các cột đá này dễ khai thác hơn và các công nhân mỏ đá thời đồ đá mới chỉ cần đưa các tấm nêm vào các khe nứt đã được tạo sẵn giữa các cột đá để hạ từng cột đá một xuống chân của phần trồi lên.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã thu được các mẩu than củi trong các mỏ đá có niên đại từ khoảng năm 3.000 TCN.
Các phát hiện đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng Stonehenge vốn là các cột đá xanh không bị đụng chạm gì được đặt vào các hố được gọi là các hố Aybrey và những khối sa thạch được bổ sung vào Stonehenge khoảng 500 năm sau. Các phát hiện cũng đặt ra nghi vấn về một giả thuyết nổi tiếng cho rằng các khối đá xanh được chuyển tới Stonehenge bằng đường biển.
Lộc Ninh (Theo Sputnik)