1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các nhà khoa học đề xuất ưu tiên nghiên cứu test sàng lọc nhanh về Covid-19

(Dân trí) - Sáng 17/3, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục gặp gỡ các nhà khoa học để lắng nghe ý kiến đóng góp trong việc nghiên cứu các đề tài thiết thực phòng chống Covid-19 giai đoạn mới hiệu quả.

Tham dự cuộc họp quan trọng này có các nhà khoa học đến từ Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; Học viện Quân Y; Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường; Các công ty sản xuất Vắc xin; …

Các nhà khoa học đề xuất ưu tiên nghiên cứu test sàng lọc nhanh về Covid-19 - 1

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trao đổi với các nhà khoa học vào sáng 17/3. 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: “Tại Chỉ thị số 13/CT-TTg 2020 đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương thức phòng, chống, phác đồ điều trị, vắc xin phòng bệnh Covid-19, sớm đưa kít thử vào sử dụng”.

Thứ trưởng Tạc cũng cho hay, từ ngay khi dịch bệnh bắt đầu vào Việt Nam thì Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chủ động trao đổi với các nhà khoa học để tập trung vào các đề tài nghiên cứu phục vụ phòng chống dịch. Ở giai đoạn đầu của Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã giao 4 đề tài nghiên cứu.

Trong đó đề tài nghiên cứu về bộ kít xét nghiệm virus corona mới đã hoàn thành bước đầu và được đưa vào sử dụng. Đây là thành quả đóng góp rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam. Sự thành công này xuất phát từ việc triển khai nhiệm vụ nhanh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, sự tham gia của các doanh nghiệp…

Theo thông tin thì bộ kít do công ty Việt Á đang sản xuất (sản phẩm từ đề tài nghiên cứu kít được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với công ty Việt Á thực hiện) đã được UBND Thanh Phố Hà Nội đặt mua 200.000 test, , tức 4.000 bộ, để sử dụng tại Hà Nội và tặng cho các bệnh viện ở Ý, nơi có dịch COVID-19 nặng nề nhất ở châu Âu. Hiện có nhiều nhà khoa học, nhiều quốc gia đặt vấn đề mua kít của Việt Nam

 “Kết quả nghiên cứu về kít phát hiện SARS-CoV-2 cũng được Việt Nam công bố cho toàn bộ khối khoa học và công nghệ các nước ASEAN”, Thứ trưởng Tạc nói.

Nhanh chóng có bộ test nhanh để sàng lọc Covid-19

Trước tình hình diễn biến mới của dịch bệnh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc phân tích: Vừa qua, Hàn Quốc kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Một trong những yếu tố thành công của nước bạn đó chính là quy trình phân loại để xét nghiệm. Hàn Quốc dùng cả test nhanh để sàng lọc và test chính xác để chẩn đoán. Hàn Quốc cũng có thể xét nghiệm di động nhờ test nhanh này.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bày tỏ: Mặc dù chúng ta đã tự chủ về kít real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 trên 5 loại máy phổ biến đang sử dụng các các cơ sở y tế nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay thì việc xây dựng test đẳng nhiệt thử nhanh là rất cần thiết. Điều này sẽ sàng lọc được nhanh và có thể xét nghiệm được toàn dân để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Về xây dựng test nhanh SARS-CoV-2 thì Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa – Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TPHCM và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN thuộc Sở KH-CN Cần Thơ thực hiện trước đó thì cần phải đẩy nhanh tiến độ, nếu gặp khó khăn thì có thể trao đổi với HV Quân y – đơn vị đã chế tạo thành công kít phát hiện SARS-CoV-2 và đơn vị đã phân lập SARS-CoV-2 là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

“Chúng ta không thể chờ đợi nên nếu cần thiết thì hướng tới việc giao nhiệm vụ cho nhiều đơn vị khác cùng làm”, GS Kính nói.

Đồng tính với GS Kính, GS.TS Lê Bách Quang, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia nhấn mạnh thêm, việc chẩn đoán – sàng lọc nhanh sẽ giảm tải số lượng cách ly hiện nay, tiết kiệm ngân sách…

PGS. TS Nguyễn Thị Lan Anh – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng thông tin thêm, thời gian qua cũng có nhiều đơn vị nghiên cứu về kit gửi sản phẩm đến Viện để thử nghiệm đánh giá. Sản phẩm của các nhà khoa học đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội là kít đẳng nhiệt những không phải là test nhanh. Quá trình thử nghiệm cũng đã phản hồi kết quả đến các nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện.

Nghiên cứu đưa robot tham gia vào công tác điều trị Covid-19

Trao đổi với các nhà khoa học, GS. TS. Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Ở các quốc gia có số người tử vong cao do Covid-19 có phần nguyên nhân từ sự quá tải ở các hệ thống y tế kể cả về con người lẫn phương tiện máy móc.

Trong công tác điều trị Covid-19 ở Việt Nam đang được thực hiện một cách nghiêm ngặt và hiệu quả. Phần lớn các ca bệnh ở Việt Nam đều ở thể nhẹ nên chưa có ca tử vong nào. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng cho thấy áp lực rất lớn lên đội ngũ nhân viên y tế.

Các nhân viên y tế, bác sĩ tham gia vào công tác điều trị Covid-19 không chỉ bị áp lực trong công việc mà còn lo lắng về việc mình có bị nhiễm bệnh và lây cho người thân, con cái hay không. Do đó, phần lớn các nhân viên y tế chọn giải pháp là ở lại bệnh viện, lo lắng khi về nhà.

Một thực trạng đang diễn ra hiện nay là đang có một sự “kì thị” đối với bệnh viện. Các nhân viên dọn dẹp vệ sinh bệnh viện hàng ngày có tâm lý lo ngại Covid-19 nên từ chối tham gia chính vì vậy bệnh viện lại phải cắt cử các điều dưỡng ngoài nhiệm vụ chuyên môn lại còn phải vệ sinh, khử khuẩn phòng bệnh.

“Hiện nay ở Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2 mới chỉ có 3 phòng áp lực âm, các phòng bệnh khác để đảm bảo thì vẫn phải vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày. Đối với, phòng bệnh có bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 thì khi dọn dẹp sẽ tiếp xúc với các giọt bắn rơi trên sàn nhà… Vì thế chúng ta phải tính đến giải pháp dùng robot để đảm nhận các công việc này để giảm tải cũng như hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh cho nhân viên y tế”, GS Kính nói.

Cũng theo GS Kính, robot không chỉ sử dụng trong dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh mà còn có thể mang thuốc, thức ăn, đồ uống… cho bệnh nhân. Chính vì vậy, GS Kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải có đề tài nghiên cứu sớm triển khai việc này. 

Cũng tại cuộc họp, các nhà khoa học cũng đề xuất việc nghiên cứu việc làm sạch môi trường, kháng khuẩn; nghiên cứu về xác định nguồn lây nhiễm của dịch bệnh ở Việt Nam; nghiên cứu về kháng thể đơn dòng trong việc điều trị Covid-19...

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm